Miễn visa - hiệu quả thấy rõ cho kích cầu du lịch

ANTD.VN - Còn chưa đầy 3 tháng nữa, chính sách miễn thị thực (visa) cho công dân 5 quốc gia thuộc khu vực châu Âu sẽ hết hiệu lực. Trước thời điểm quan trọng này, các doanh nghiệp du lịch vẫn đang nghe ngóng và chờ đợi xem Chính phủ có tiếp tục thực hiện việc miễn visa áp dụng đối với các nước trên cũng như mở rộng chính sách với công dân các nước khác hay không.

Chia sẻ với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Công ty du lịch Vietrantour cho biết, hiện doanh nghiệp này không chỉ phục vụ du khách lẻ mà còn phục vụ khách đoàn, khách “đại lý” từ các quốc gia. Vì vậy, việc Chính phủ sớm xem xét đưa ra quyết định có tiếp tục thực hiện chính sách miễn visa hay không sẽ hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong việc lên các chương trình tour, in ấn tờ rơi quảng bá, tư vấn cho du khách và thông tin tới các đối tác quốc tế... đồng thời gia tăng lợi ích cho toàn ngành du lịch.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Huyền, nhiều đoàn khách đến từ 5 nước châu Âu gồm Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh đang có ý định đặt tour đến Việt Nam nhưng còn chần chừ bởi không biết liệu việc miễn visa có tiếp tục được thực hiện không hay sẽ thay đổi và thay đổi như thế nào. Thông thường, khách du lịch ở các nước châu Âu lên kế hoạch cho chuyến đi du lịch của mình trước từ 6 tháng đến 1 năm. Vì thế, rất nhiều khách sau khi tìm hiểu và biết chính sách miễn visa vào Việt Nam đối với công dân nước họ sắp hết hiệu lực, thì đều tạm dừng ý định sang Việt Nam du lịch ít nhất là đến hết ngày 30-6 tới để nghe ngóng tình hình. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc kích cầu du lịch Việt.

Miễn visa - hiệu quả thấy rõ cho kích cầu du lịch ảnh 1Doanh nghiệp lữ hành và du khách đều mong chính sách visa của Việt Nam được nới lỏng

Hiệu quả thấy rõ ở lượng khách tăng đột biến

Theo số liệu thống kê, trước khi chính sách miễn visa cho công dân 5 nước châu Âu được Chính phủ thực hiện, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bị cho là sụt giảm nghiêm trọng, mức tăng trưởng gần như bằng 0% lượng khách quốc tế đến. Đến tháng 7-2015, Chính phủ quyết định miễn thị thực 1 năm (từ 1-7-2015 đến 30-6-2016) cho công dân 5 nước châu Âu gồm Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha và điều này đã khiến ngành du lịch Việt Nam khởi sắc rõ rệt. Năm 2016, lượng khách từ các quốc gia này đến với Việt Nam tăng từ 13,8-29% so với năm 2015 nhờ chính sách miễn thị thực. Năm 2017, lượng khách từ 5 nước châu Âu đến Việt Nam tiếp tục tăng từ 6-20% so với năm 2016.

Tuy nhiên, quyết định gia hạn chính sách miễn visa kể trên trong năm 2016 và 2017 được cho là công bố hơi “sát nút”. Theo đó, trong lần gia hạn đầu tiên, chính sách gia hạn có hiệu lực từ 1-7-2016 thì ngày 30-6-2016 quyết định mới được ban hành. Còn trong lần thứ 2 gia hạn (từ 1-7-2017 đến 30-6-2018), thì chính sách gia hạn được công bố chỉ trước khi hết hiệu lực 24 ngày.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam mới áp dụng chính sách miễn visa du lịch cho công dân 24 nước. Con số này được cho là khiêm tốn hơn nhiều so với Thái Lan (miễn visa cho 61 nước), Malaysia (miễn visa cho 155 nước), Singapore (miễn visa cho 157 nước). Các hình thức visa qua mạng (Visa Online), visa tại cửa khẩu (Visa On Arrival) của Việt Nam so với các điểm đến cạnh tranh trong khu vực như Campuchia, Lào và Myanmar cũng hạn chế hơn. Đó cũng là lý do trong năm vừa qua, diễn đàn kinh tế thế giới công bố Việt Nam xếp hạng 116/136 quốc gia và đạt 17/100 điểm khi đo lường các yêu cầu về thị thực.

Xu thế tất yếu để kích cầu du lịch

Bà Nguyễn Thị Huyền  nhận định, chính sách visa của Việt Nam hiện chưa có sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Chi phí du khách xin visa vào Việt Nam hiện nay là 25 USD, số tiền thu từ khoản này không đáng là bao nhiêu so với số tiền du khách đến chi tiêu cho các dịch vụ du lịch. Cụ thể, khách châu Âu thường chi tiêu khoảng 100-130 USD/ngày, tùy từng thị trường khác nhau mà du khách sẽ lưu lại Việt Nam trong 7-10 ngày hoặc hơn. Điều đó mang lại lợi ích cho cộng đồng, góp phần thúc đẩy GDP, tạo công ăn việc làm cho người dân các địa phương... Vì vậy, bà Nguyễn Thị Huyền khẳng định không nên đặt nặng về nguồn thu phí du khách xin visa mà khó khăn trong việc miễn visa cho du khách quốc tế.

Đồng quan điểm với bà Nguyễn Thị Huyền, ông Nguyễn Mạnh Thức - Giám đốc Công ty du lịch Đôi mắt Á Châu tiết lộ, doanh nghiệp và du khách đều mong chính sách visa của Việt Nam được nới lỏng. Việc miễn visa tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách khi lựa chọn đi du lịch đến một quốc gia. Nhất là đối với du khách quốc tế đến từ các nước phát triển, có mức chi tiêu cao khi tới Việt Nam thường cân nhắc rất kỹ sự thuận tiện về mặt thủ tục giấy tờ.

Các doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam đều kỳ vọng Việt Nam sẽ theo kịp xu thế của các nước xem chính sách visa là “chính sách vàng” khi kích cầu du lịch. Đón 16-17 triệu lượt khách quốc tế - con số Việt Nam kỳ vọng trong năm 2018 sẽ không còn là một con số thách thức, thậm chí Việt Nam có thể vượt mục tiêu nếu tìm ra lời giải về “bài toán” miễn visa.

Indonesia - một trong những quốc gia có du lịch phát triển trong khu vực Đông Nam Á đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019. Để đạt được mục tiêu này, từ đầu tháng 3-2016, nước này đã miễn thị thực thêm cho công dân của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ, nâng tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn thị thực lên 169.