Miền Trung mưa lũ kinh hoàng, 12 người chết và mất tích, hàng chục nghìn người phải sơ tán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Đến cuối ngày 8/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có bảy người bị nước cuốn trôi mất tích và một người chết. 

Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai thông tin, báo cáo nhanh của các địa phương cho thấy, đến cuối ngày 8/10, mưa lũ đã làm 12 người chết và mất tích, trong đó Quảng Trị có 8 người.

Hiện nay các địa phương đã tổ chức di dời, sơ tán tổng cộng 3.250 hộ/ 10.994 người (Quảng Trị 2.796 hộ/ 10.141 người, Thừa Thiên Huế 271 hộ/ 780 người, Đà Nẵng 23 hộ/73 người, Quảng Nam: 59 hộ) tại các khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Tổng cộng có 37 xã bị ngập lụt.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị thông tin, đến cuối ngày 8/10, mưa lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã khiến bảy người bị nước cuốn trôi mất tích và một người chết.

Tại huyện Đakrông, trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhiều điểm sạt lở với khối lượng lớn gây tắc đường. Trên tuyến quốc lộ 9, điểm sạt lở km 50+200 gây tắc đường.

Ngập lụt tại Minh Hóa, Quảng Bình

Ngập lụt tại Minh Hóa, Quảng Bình

Tuyến Quốc lộ 15D nhiều điểm xảy ra sạt lở với khối lượng lớn. Mố cầu tràn tuyến đường liên thôn Xi Pa – Tà Lao xã Tà Long bị đứt. Lượng mưa lớn khiến 57 ngôi nhà thôn Đá Nổi, xã Ba Lòng và 44 ngôi nhà ở thôn Na Nẫm, xã Triệu Nguyên bị ngập khoảng 1,5-2m. Tuyến đường đi Ba Lòng cũng bị chia cắt từ ngày 7/10/2020.

Còn tại huyện Hướng Hóa, đường vào trung tâm xã Hướng Linh bị sạt lở hai điểm thuộc địa phận xã Hướng Tân, hiện các phương tiện không qua được. Cống khe Ta Pang thuộc thôn Ra Ly - Rào xã Hướng Sơn bị nước làm đứt gãy, không đi lại được. Đã ghi nhận có bốn trường hợp bị lũ cuốn trôi, hiện các lực lượng cứu hộ cứu nạn đang tổ chức tìm kiếm.

Tại Công điện chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị nhận định, tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, nước ở các sông vẫn tiếp tục dâng cao.

Do đó, đề nghị các lực lượng chức năng và địa phương tuyệt đối không được chủ quan lơ là, chủ động nắm tình hình để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm văn bản chỉ đạo của các cấp các ngành để ứng phó kịp thời.

Tạm dừng các hoạt động không cần thiết để tập trung phòng chống mưa lũ.

Nhiều địa phương ở Quảng Bình và Quảng Trị đang bị cô lập do mưa lũ

Nhiều địa phương ở Quảng Bình và Quảng Trị đang bị cô lập do mưa lũ

Quảng Bình học sinh phải nghỉ học tránh lũ

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình dù chưa ghi nhận thiệt hại về người nhưng mưa lớn đã khiến hàng trăm hộ dân bị cô lập, học sinh trên địa bàn nhiều huyện đã được cho nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Cụ thể, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa mưa lũ đã cô lập 382 hộ/1.232 khẩu tại các xã Đức Hóa, Ngư Hóa, Thạch Hóa, Lâm Hóa.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ban PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo các địa phương di dời dân, lên phương án vận động, tổ chức di dời 430/1.600 khẩu có nguy cơ ngập lụt sâu và bị sạt lở đất tại các xã Đức Hóa, Thạch Hóa.

Từ sáng 8/10, có 19/69 trường học, 12/57 điểm trường trên địa bàn huyện bị ngập lụt đã cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn. Căn cứ vào tình hình thực tế mưa lũ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo các trường còn lại chủ động cho học sinh nghỉ học.

Trên địa bàn huyện Bố Trạch có 15 thôn, bản thuộc các địa bàn thấp trũng của một số xã bị nước lũ chia cắt; học sinh ở một số trường phải nghỉ học. Hiện nước lũ dâng cao, cô lập 8 bản ở xã Thượng Trạch.

Còn huyện Quảng Ninh đến cuối ngày 8/10 toàn huyện có trên 900 hộ dân bị ngập từ 0,3 - 1m; trong đó nhiều nhất là xã Hiền Ninh (400 hộ), Tân Ninh (202 hộ), Duy Ninh (150 hộ), Trường Sơn (150 hộ) và 7 bản bị chia cắt chưa thống kê cụ thể.

Tại các xã có nguy cơ ngập lụt cao, huyện Quảng Ninh đã chủ động cho học sinh nghỉ học từ chiều 7/10; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tập trung phòng chống mưa lũ, trực ban 24/24 để chủ động ứng phó với tình hình, kịp thời xử lý trong các trường hợp khẩn cấp.

Huyện Lệ Thủy nhiều địa phương cũng đang bị cô lập như bản Bạch Đàn, Tân Ly xã Lâm Thủy; An Bai, Hà Lẹc, Chuôn, Bang xã Kim Thủy; cụm bản Còi Đá, Khe Giữa, Khe Sung xã Ngân Thủy bị cô lập, chia cắt không đi lại được. Có một số điểm trên tuyến đường qua xã Kim Thủy đường vào bản Bạch Đàn xã Lâm Thủy; đường An Thủy đi Mai Thủy qua thôn Xuân Bồ xã Xuân Thủy bị sạt lở, hư hỏng.

Tổng số hộ dân bi ngập do lũ khoảng trên 600 hộ, tập trung ở xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy, Trường Thủy, An Thủy, Lộc Thủy, Sơn Thủy, Dương Thùy…

Có khoảng 30 hộ nước ngập trên 1m ở bản Khe Giữa xã Ngân Thủy. Do nước sông Kiến Giang lên nhanh, chảy xiết khiến chiếc cầu phao dân sinh nối từ xã An Thủy qua xã Lộc Thủy bị cuốn trôi.

Trong ngày 8/10, các trường học trên địa bàn huyện đã cho học sinh nghỉ học. Riêng các trường bán trú cho học sinh ở lại trường để bảo đảm an toàn.