Miền Trung lại ngập chìm trong lũ dữ

(ANTĐ) - Chưa khắc phục xong cơn lũ hồi đầu tháng 10, các tỉnh miền Trung lại phải đối mặt với cơn lũ lịch sử trong nhiều thập niên qua. Thêm vào đó, siêu bão Megi đang tiếp tục đổ bộ vào biển Đông khiến "khúc ruột miền Trung" lại thắt từng khúc.

Miền Trung lại ngập chìm trong lũ dữ

* Hà Tĩnh, Quảng Bình: Lũ chồng lên lũ

(ANTĐ) - Chưa khắc phục xong cơn lũ hồi đầu tháng 10, các tỉnh miền Trung lại phải đối mặt với cơn lũ lịch sử trong nhiều thập niên qua. Thêm vào đó, siêu bão Megi đang tiếp tục đổ bộ vào biển Đông khiến "khúc ruột miền Trung" lại thắt từng khúc.

Hà Tĩnh: “Vượt qua cơn lũ lịch sử năm 2007”! đó là lời của ông Bùi Lê Bắc, Chánh văn phòng ban PCLB tỉnh Hà Tĩnh. Đêm 17/10, hàng chục thuyền máy được huy động để cứu người ở các vùng dân cư bị cô lập. Trận lũ mới này đã làm 2 người chết và một người mất tích. Điện mất, nước dâng, hàng ngàn người dân ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn… Sống trong cảnh màn trời, chiếu đất. 8 giờ sáng ngày 18/10, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự cho biết, nhờ lực lượng hổ trợ của quân khu 4 đã kịp thời di dân đến nơi an toàn nhưng nước ngập trên diện rộng, hiện tại còn 36 xã bị cô lập, mất liên lạc hoàn toàn, tỉnh đang điện xin trung ương cho máy bay trực thăng tiếp lương thực và nước uống cho những vùng mà tỉnh chưa tiếp cận được.

Động khe Mơ bị vỡ, gần 40 hồ đập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xã lũ trong khi mưa vẫn tiếp tục trút xuống, trong hai ngày qua lượng mưa ở Hà Tĩnh từ 200 – 600 mm, một số nơi như Chu Lễ, Hòa Duyệt (Hương Khê), Sơn Diệm (Hương Sơn) đạt 600 mm. Tại Thị Trấn Hương Khê, nước dâng cao 1,5m, các xã Phương Mỹ, Phương Điền, Hương Đô, Hương Thủy, Lộc An, … Chìm trong biển nước….

Thành phố Hà Tĩnh nước ngập 1m, nhiều đoạn trên đường tránh Thành phố Hà Tĩnh cũng bị ngập, quốc lộ 1A nhiều đoạn ngập sâu 1,5m như đoạn qua thị trấn Nghèn, Can Lộc, Nghi Xuân. Hàng ngàn ô tô chạy trên tuyến Bắc Nam bị mắc kẹt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Vào lúc 1h sáng ngày 18/10, xe khách mang biển kiểm soát 48 K 5868 chạy tuyến Đắc Nông – Hà Nội bị nước cuốn trôi ở huyện Nghi Xuân, trên xe có khoảng 40 hành khách, lực lượng cứu hộ đã cứu được 17 người, vớt được 03 xác nạn nhân, số còn lại hiện đang mất tích, đến 15h30 ngày 18 /10 Quân khu 4 đã tăng cường máy rà bom mìn và các thiết bị hiện đại để tìm tung tích chiếc xe nhưng chưa có kết quả bởi nước sông Lam đang dâng cao, lũ cuốn trên diện rộng, hiện trường rất khó tìm kiếm.

Quảng Bình – lũ chồng lên lũ:

Lũ chưa rút hết, nhiều gia đình chưa dọn xong nhà thì một lần nữa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình lũ lại chồng lên lũ. Lượng mưa từ 13h ngày 14/10 đến 15h ngày 16/10 ở huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa là 569mm, rốn lũ Tân Hóa lại tiếp tục bị cô lập.

Khu vực xã Hồng Hóa nối liền Thị trấn Quy Đạt nước ngập sâu 1,5m, đèo Dốc Cáng nhiều đoạn bị sạt lỡ nghiêm trọng, đường Hồ Chí Minh qua đoạn Phú Nhiêu (xã Thượng Hóa) ngập gần 1m. Xã Thượng Hóa có 696 hộ với 3210 khẩu thì có 433 hộ chìm trong lũ và ngập nặng nhất là thôn Phú Nhiêu, ông Cao Xuân Tạo, Chủ tịch xã Thượng Hóa cho biết “tính đến thời điểm này, đồng bào Rục, Sách tại ba bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ bị chia cắt và cô lập hơn nữa tháng, hiện tại chỉ có lực lượng của bộ đội, biên phòng và các ngành chức năng đang tìm cách để tiếp cận sớm nhất đồng bào!”

Huyện Lệ Thủy có hơn 5000 ngôi nhà bị ngập, 72 nhà bị tốc mái, toàn bộ hệ thống giao thông bị chia cắt, các rốn lũ của huyện như xã “Sơn Thủy, An Thủy, Dương Thủy…” nhiều ngôi nhà chìm sâu trong nước lũ, 3 xã miền núi Lâm Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy bị cô lập do nước dâng ở các khe suối, tắc đường giao thông, hồ chứa nước Cẩm Ly nước vượt mật đập 1m…

Toàn huyện Quảng Ninh có 8220 hộ bị ngập sâu hơn 1m, lốc xoáy làm 3 ngôi nhà dân ở xã Vĩnh Ninh bị tốc mái, các xã An Ninh, Tân Ninh, Hiền Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh bị nhấn chìm trong lũ, đặc biệt 3 xã  Hiền Ninh, Duy Ninh và Xuân Ninh nhiều hộ dân gần một tháng nay chưa có bữa cơm trọn vẹn vì bị ngập chìm trong nước.

Thầy giáo Võ Doãn Duận, hiệu trưởng Trường THCS Xuân Ninh cho biết: cơn bão số 3  cuối tháng 8 vừa qua tạo nên lốc xoáy làm cho cơ sở vật chất của trường bị thiệt hại nặng nề, tiếp theo hai trận lũ, mặc dù có sự quan tâm của ngành giáo dục và cấp ủy chính quyền địa phương nhưng cũng không thể khắc phục nỗi những thiệt hại do bão lũ gây ra, nhiều em học sinh sau đợt lũ này lần thứ 3 trong năm học phải mua sắm lại sách vở do thiên tai gây ra…

Ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh lo lắng: Nhất là lương thực cho nhân dân trong những ngày lũ bởi đợt lũ trước hầu hết lúa gạo của dân đã bị nước cuốn trôi và ẩm mốc hết, sau khi lũ đợt 1 rút ra, dân đang ăn gạo cứu trợ nhưng cũng không được nhiều, hiện nay nhiều gia đình trong vùng ngập lũ đã hết gạo… rồi đường sá, câu cống, trường học, trạm y tế bị hư hỏng nặng…

Mưa vẫn trút xuống ở Quảng Bình khi các hồ đạp đã dâng đầy, xã lũ. Siêu bảo Megi cấp 14 đang tiến vào biển Đông, gần 1000 hành khách tàu thống nhất đang mắc kẹt tại ga Đồng Hới vì đường sắt Bắc Nam hư hỏng nặng, phương án trung chuyển hành khách bằng đường bộ của ngành đường sắt sang ga Vinh chưa thực hiện được vì đường bộ đang bị ngập nặng. Hơn bao giờ hết Hà Tĩnh, Quảng Bình – khúc ruột miền trung đang cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

Anh Minh

(CTV ANTĐ từ Quảng Bình)