Miền Trung huy động tổng lực khắc phục hậu quả sau bão

ANTD.VN - Ngay sau khi cơn bão số 10 đi qua, các địa phương chịu ảnh hưởng do bão đã nhanh chóng huy động tất cả các lực lượng khắc phục hậu quả cơn bão, sớm ổn định cuộc sống nhân dân.

Cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Hà Tĩnh giúp đỡ nhân dân huyện Kỳ Anh dựng lại nhà cửa sau bão số 10

Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau bão số 10, toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 62.000 nhà dân bị đổ, tốc mái; 100% xã, phường, thị trấn với trên 420.000 khách hàng bị mất điện; 29 thôn với 4.699 hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông (Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà) bị ngập… 

Hơn 10.000 cán bộ, chiến sỹ giúp dân

Nhằm sớm ổn định sản xuất và đời sống dân sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các huyện, thành phố, thị xã triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục hậu quả. 

Ngay sau bão, hàng chục nghìn người dân ở các xã ven biển Hà Tĩnh đi di tản đã trở về nhà. Ngày 17-9, Tỉnh đội Hà Tĩnh huy động 1.300 cán bộ, chiến sỹ, 9.994 dân quân tự vệ giúp nhân dân khẩn trương dọn dẹp, khắc phục, sửa chữa nhà cửa, vật dụng để sớm ổn định cuộc sống và sản xuất. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh điều động 130 đoàn viên thanh niên thuộc khối các cơ quan tỉnh chi viện giúp các xã thuộc huyện Kỳ Anh…

Để tiến hành xử lý môi trường sau bão lũ, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh đã cấp 5 cơ số hóa chất phòng, chống dịch bệnh cho Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Tĩnh huy động toàn bộ lực lượng tập trung thu gom khoảng 300 tấn cây cối gãy đổ. 

Đại diện Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết, bão số 10 đã tàn phá nặng nề hạ tầng hệ thống lưới điện, đặc biệt là lưới điện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên. Ngay sau khi bão giảm cường độ, công ty đã huy động 100% cán bộ, công nhân viên tham gia kiểm tra, khắc phục sự cố. Công ty sẽ tăng cường nhân lực, vật lực về Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, phấn đấu đến hết ngày 20-9 sẽ cấp điện trở lại cho toàn bộ khách hàng. 

Sớm đón học sinh trở lại trường

Trong khi đó, thống kê ban đầu của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho thấy, bão số 10 đã làm 2 người chết, 14 người bị thương, 14 nhà bị sập, khoảng 50.000 nhà bị tốc mái, gần 1.500 nhà bị ngập, 50 tàu cá bị chìm và mắc cạn… Tổng thiệt hại ước tính ban đầu do bão số 10 gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là khoảng 3.400 tỷ đồng.

Ngay sau khi bão tan, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã có mặt tại các địa phương để trực tiếp chỉ đạo việc khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân. Lãnh đạo tỉnh đề nghị các địa phương chủ động và tập trung vào việc sữa chữa nhà cửa, dọn vệ sinh, khai thông các tuyến giao thông. Những địa phương nào gặp nhiều khó khăn, tỉnh sẽ có hỗ trợ một phần để sớm khắc phục hậu quả.

Đại diện Công ty Điện lực Quảng Bình cho biết, sau bão, đã có gần 8.000 cột điện bị gãy đổ. Công ty đã huy động hết nhân lực và phương tiện, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các đơn vị bạn để cố gắng cấp điện trở lại cho các địa phương. 

Tại TP Đồng Hới, lực lượng quân đội, công an cùng các đơn vị như điện lực, Trung tâm Công viên - Cây xanh, Công ty TNHH MTV công trình đô thị… tập trung giải tỏa cây cối gãy, đổ, khắc phục tình trạng mất điện và hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, các công trình công cộng.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình, bão số 10 đã làm hơn 40.000 phòng học bị tốc mái, 11 phòng học bị sập và gần 600 bộ máy tính, máy chiếu phục vụ công tác giảng dạy bị hư hỏng nặng. Các trường học tại Quảng Bình đã phải tạm hoãn công tác giảng dạy để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Để sớm ổn định công tác dạy và học, ngành giáo dục Quảng Bình đang tích cực tổ chức triển khai các công tác khắc phục hậu quả để sớm đón học sinh trở lại trường.

12 hồ chứa khu vực Bắc Trung bộ có nguy cơ mất an toàn cao

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, toàn khu vực Bắc Trung bộ hiện có 83 hồ chứa xung yếu, trong đó, có 12 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao.

Theo đó, dung tích của hầu hết các hồ có trữ lượng lớn đạt 65 - 80% dung tích thiết kế. Một số hồ đạt mức cao, như: Cửa Đạt 89% (Thanh Hóa); Vực Mấu 89%, Vệ Vừng 105% (Nghệ An); Vực Trống 101% (Hà Tĩnh); Tiên Lang 101% (Quảng Bình); Hòa Mỹ 101%, Mỹ Xuyên 81% (Thừa Thiên - Huế)...

Đối với các hồ chứa nhỏ, tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, hầu hết các hồ đạt trên 80% dung tích thiết kế; tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế các hồ đạt trung bình 60 - 80% dung tích thiết kế. Các tỉnh có nhiều hồ đầy nước gồm: Thanh Hóa 420/584 hồ; Nghệ An 290/588 hồ; Hà Tĩnh 280/316 hồ.

Đáng chú ý, toàn khu vực Bắc Trung bộ hiện có 83 hồ chứa xung yếu (15 hồ lớn, 68 hồ vừa và nhỏ), các tỉnh có nhiều hồ xung yếu như: Thanh Hóa 20 hồ, Nghệ An 19 hồ, Hà Tĩnh 16 hồ... Trong đó, có 12 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao và cần được đặc biệt cần quan tâm gồm: Làng Mọ, Kim Giao, Làng Lụt (Thanh Hóa); Hòn Mát, Đồn Húng, Khe Sân, Khe Gang (Nghệ An); Lối Đồng (Hà Tĩnh); Vùng Mồ, Bàu Cừa, Đập Làng (Quảng Bình); Kinh Môn (Quảng Trị).

Theo Tổng cục Thủy lợi, các hồ chứa đang chủ động được các công ty thủy lợi vận hành bảo đảm an toàn; các hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý được tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình; đến nay, chưa có báo cáo về sự cố mất an toàn công trình của các địa phương.

Anh Tú