MH17: Thủ phạm là quân chính phủ Ukraine hay phe ly khai?

ANTĐ - Bộ Ngoại giao Nga vừa tuyên bố, nước này sẽ không cho phép những nỗ lực làm sai lệch kết quả điều tra vụ máy bay Boeing777, thuộc chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines rơi trên bầu trời Donetsk - Ukraine, ngày 17-7-2014.

Hà Lan cáo buộc phe ly khai là thủ phạm bắn hạ MH17

Đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga - bà Maria Zakharova ngày 16-10 cho biết, Hà Lan đã đòi nói chuyện với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào ngày công bố báo cáo về MH17 nhưng sau đó đã không có sự liên hệ nào tiếp theo.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Bert Koenders đã lên tiếng cáo buộc Nga “đang gieo nghi ngờ” về cuộc điều tra vụ máy bay Boeing 777 của Malaysia rơi ở Ukraine, trong hành trình chuyến bay mang mã số MH17, từ Amsterdam của Hà Lan đến Kuala Lumpur/Malaysia.

Hà Lan đã yêu cầu trong hình thức tối hậu thư một cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về vụ điều tra MH17 vào ngày công bố bản báo cáo là hôm 13 tháng 10, nhưng sau đó người Hà Lan không có thêm nỗ lực nào khác để thiết lập liên lạc.

Bà Maria Zakharova cáo buộc, trong vòng hơn một năm qua, Nga đã từng nhiều lần mời các chuyên gia Hà Lan tới Moscow để phối hợp điều tra, nhưng Amsterdam đã từ chối. Còn bây giờ họ muốn thổi bùng scandal, nhưng Nga sẽ quyết ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào làm sai lệch thông tin.

Moscow hiện đang hoài nghi mục đích của cuộc điều tra thảm họa Boeing MH17 liệu có đúng là nhằm thiết lập một bức tranh thực chất về vụ việc hay chỉ là những nỗ lực biện minh cho những cáo buộc vô căn cứ đã được đưa ra trước đây rằng thủ phạm là lực lượng ly khai Donetsk và Nga.

Vào ngày 13-10 vừa qua, Ủy ban an toàn Hà Lan đã công bố kết quả điều tra nguyên nhân chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia rơi trên bầu trời Donetsk, thuộc miền đông Ukraine ngày 17-7-2014 - thời điểm chiến sự bùng phát dữ dội giữa quân chính phủ nước này và lực lượng li khai Donetsk.

Hà Lan đã xác định thủ phạm là hệ thống tên lửa Buk và vị trí phóng là ở Snezhnoe nhưng lại không chỉ ra được đó là loại tên lửa nào

Theo báo cáo được công bố, chiếc máy bay này đã bị tên lửa thuộc hệ thống phòng không Buk (do Nga sản xuất) bắn rơi. Tuy nhiên, báo cáo điều tra không chỉ ra được hệ thống Buk thuộc thế hệ Buk-M1 hay Buk-M2 và loại tên lửa sử dụng trong hệ thống này

Ngoài ra, báo cáo điều tra cũng không đưa ra được thủ phạm đã sử dụng hệ thống phòng không này, nhưng ám chỉ lực lượng ly khai khi kết luận là tên lửa được phóng từ làng Snezhnoe - khu vực vào thời điểm đó do các tay súng ly khai của Nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) kiểm soát.

Nga khẳng định thủ phạm chính là quân chính phủ Ukraine

Tuy nhiên, Nga đã cực lực phản đối những kết luận mà Moscow cho rằng thiếu căn cứ thực tiễn và phớt lờ những chứng cứ mà phía Nga đưa ra.

Moscow cho rằng, việc xác định thủ phạm là hệ thống phòng không Buk phải dựa vào những kết quả thực nghiệm của tên lửa mới kết luận được. Tuy nhiên, Hà Lan đã kết luận là tên lửa Buk mà không đưa ra được chính xác loại tên lửa nào là điều vô lý.

Cũng trong ngày 13-10, hãng chế tạo tên lửa phòng không nổi tiếng của Nga là Almaz-Antei - cha đẻ của các hệ thống phòng không Buk cũng công bố kết quả điều tra của họ và nếu thủ phạm là hệ thống phòng không Buk-M1 với tên lửa 9M38 hoặc 9M38M1, lắp đầu đạn 9N314M hoặc 9N314M1.

Với việc chỉ ra thủ phạm là tên lửa 9M38 hoặc 9M38M1 và vị trí phóng ở Zaroschinskoe, Almaz-Antei đã gián tiếp tố cáo quân đội Ukraine

Almaz-Antei đã công bố báo cáo điều tra dựa trên việc xây dựng mô hình phân tích toán học trên máy tính và kết quả 2 cuộc thử nghiệm thực tế với tên lửa thật và máy bay thật của họ.

Vụ thử nghiệm đầu tiên được tiến hành ngày 31 tháng 7, Almaz-Antei đã tiến hành thí nghiệm đầu tiên sử dụng tên lửa dòng 9M38. Sau đó, thí nghiệm thứ hai diễn ra vào ngày 7 tháng 10. Tên lửa được phóng từ khu vực Snezhnoe đã phá hủy một chiếc IL-86 đã bị thải loại.

Quá trình dựng lại quỹ đạo giao nhau của máy bay và tên lửa trên máy tính, qua phương pháp hình chiếu toán học cho kết luận chắc chắn là tên lửa được phóng từ một khu vực rộng 2.5x3.5 km ở phía nam của thị trấn Zaroschenskoe - bản doanh của quân đội Ukraine.

Các kết quả thí nghiệm thực tế cũng chứng tỏ rằng, đặc thù hư hại của chiếc Il-86 chứng tỏ máy bay không bị bắn rơi từ hướng Snezhnoe mà từ phía làng Zaroschinskoe, khi đó do quân đội Ukraine kiểm soát. Và sau đó, những kết quả này đã được chuyển cho phía Hà Lan.

Được biết, hiện chỉ có quân đội Ukraine mới còn sử dụng các hệ thống Buk-M1 với các loại tên lửa trên, còn quân đội Nga đã chuyển sang sử dụng các hệ thống Buk-M1-2 từ khá lâu và hiện đang sử dụng Buk-M2.

Các tên lửa 9M38 hoặc 9M38M1 với các loại đầu đạn trên đã lần lượt bị Liên Xô và Nga ngừng sản xuất từ năm 1986 và 1999. Cùng với việc xác định vị trí phóng tên lửa từ Zaroschinskoe, phía Almaz-Antei đã gián tiếp chỉ ra thủ phạm chính là quân chính phủ Ukraine.