Mexico - "Vùng đất dữ" của các nhà báo

ANTĐ - Chính quyền bang Veracruz, Mexico cho biết, trung tuần tháng 8 vừa qua, 5 đối tượng có vũ trang đã xả súng vào một quán rượu ở thành phố Orizaba làm 6 người thiệt mạng, trong đó có một nhà báo. Theo thống kê, từ năm 2000 đến nay, đã có 17 nhà báo bị các băng nhóm tội phạm giết hại tại bang Veracruz. Mexico đang là mảnh đất nguy hiểm, đe dọa tính mạng của các nhà báo đấu tranh chống tham nhũng và tội phạm. 
Mexico - "Vùng đất dữ" của các nhà báo  ảnh 1

Một cuộc biểu tình tại Mexico đòi công lý cho nhiếp ảnh gia Ruben Espinosa

Hơn 80 nhà báo thiệt mạng trong thập kỷ qua 

Nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả xúng tại thành phố Orizaba gần đây là nhà báo Juan Heriberto Santos của nhật báo địa phương El Buen Tono. Một số nhân chứng cho biết, Juan Heriberto Santos bị bắn nhiều viên đạn vào đầu khi rời quán rượu. Hai nhà báo khác là bạn của Santos cũng bị đánh trọng thương. Trước đó, nhiếp ảnh gia Ruben Espinosa cũng bị phát hiện đã chết trong một căn hộ ở Veracruz.

Quá trình điều tra cho thấy, Ruben Espinosa bị bắn vào đầu và trên cơ thể. Veracruz là một trong những cảng biển nhộn nhịp nhất của Mexico đồng thời cũng là nơi được coi là nguy hiểm nhất của các nhà báo. Tại bang này, liên tiếp xảy ra những vụ tấn công bạo lực do các băng nhóm tội phạm có tổ chức gây ra. 

Không chỉ ở Veracruz, bạo lực tràn lan khắp mọi nơi trên đất nước Mexico. Nhà báo, những người tiên phong trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng và hoạt động của các băng đảng ma túy trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm. Trong thập kỷ qua, hơn 80 nhà báo đã thiệt mạng. 12 trường hợp bị sát hại dưới thời Chính quyền Tổng thống Enrique Peña Nieto.

Trong 8 tháng đầu năm 2015, có 4 nhà báo đã bị sát hại. Nhà báo José Moises Sanchez Cerezo là nạn nhân đầu tiên của năm nay. Ông đã bị bắt cóc bởi một băng đảng ma túy và bị sát hại 23 ngày sau đó. Kẻ sát hại José Moises Sanchez Cerezo khai nhận đã hành động theo lệnh của Martin Lopez Meneses, người đứng đầu lực lượng cảnh sát thành phố Medellin, bang Veracruz.

Nhà báo Armando Saldana Morales là nạn nhân thứ hai. Ông đã bị giết hại vào ngày 4-6 sau khi công khai lên án hành vi trộm cắp nhiên liệu của một băng đảng tội phạm. Thi thể nhà báo Armando Saldana Morales được tìm thấy trong ngôi làng nằm ở khu vực biên giới giữa bang Veracruz và Oaxaca. Nhà báo Filadelfo Sanchez, đạo diễn một chương trình phát thanh được yêu thích ở Oaxaca là nạn nhân thứ ba. Ông bị bắn 9 viên đạn khi rời khỏi văn phòng vào ngày   2-7. Nhà báo Juan Heriberto Santos là nạn nhân thứ tư bị giết 

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh” 

Theo các nhà điều tra, những người giết hoặc ra lệnh giết hại các nhà báo Mexico nhằm mục đích làm suy yếu “công cụ” đấu tranh chống tham nhũng, tội phạm ở nước này. Tháng 4-2015, Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) xếp Mexico và Pakistan là những nước tồi tệ nhất trên thế giới về chống lại các nhà báo. Các nhóm cực đoan tôn giáo ở Pakistan cũng như các quan chức tham nhũng, băng đảng ma túy ở Mexico thường xuyên đe dọa những nhà báo lên tiếng đấu tranh cho công lý. Kể từ năm 2013, hàng chục nhà báo Mexico đã bị cảnh sát đánh đập, bị đe dọa giết hại hoặc bị kiểm soát gắt gao khi tác nghiệp.

Anabel Hernandez, một nhà báo và tác giả nổi tiếng với cuộc điều tra chống tham nhũng, vi phạm nhân quyền nói rằng, cô đã bị đe dọa sát hại vào năm 2010 khi phát hiện mối quan hệ giữa một số quan chức Chính phủ Mexico và băng đảng ma túy Sinaloa Cartel. “Gia đình, bạn bè tôi cũng phải chịu đựng những lời đe dọa khủng khiếp. Tôi biết rằng, mình phải rời khỏi đất nước này. Mỗi tháng, tôi trở về Mexico một lần, tiếp tục cuộc điều tra vì công bằng, dân chủ và hòa bình”, nhà báo Anabel Hernandez nói.

Theo nhà báo Anabel Hernandez thì rất khó xác định ai nguy hiểm hơn ở Mexico, những kẻ buôn ma túy hay quan chức tham nhũng. “Họ thường bắt tay với nhau. Giết hại các nhà báo ở Mexico đang trở nên phổ biến và khẩu hiệu bảo vệ các nhà báo không bao giờ được thực hiện trên thực tế. Khi Chính phủ mất uy tín, thiếu minh bạch và nạn tham nhũng tràn lan thì tội phạm có tổ chức, các băng đảng ma túy sẽ phát triển, thâm nhập vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chính phủ độc tài, tham nhũng, cũng như mafia ghét cay ghét đắng tự do ngôn luận và không muốn một xã hội có tự do ngôn luận”, Anabel Hernandez nói. Anabel Hernandez cho biết, bấp chấp những lời đe dọa, các nhà báo vẫn đấu tranh không mệt mỏi vì sự phát triển của xã hội. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh, không chỉ vì các đồng nghiệp đã ngã xuống mà chúng tôi biết rằng, những gì chúng tôi đang làm là vô giá đối với xã hội. Tất nhiên, tôi sợ chết nhưng nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là không đủ can đảm để tiếp tục bước đi trên con đường mà mình đã chọn”, Anabel Hernandez nói.