Mệt mỏi vì lạm thu phí

ANTĐ - Chiều 11-4, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về chấp hành pháp luật về phí và lệ phí đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính và đại diện một số bộ, ngành liên quan. Nhiều ĐBQH quan tâm đến tình trạng phí chồng phí, ban hành phí, lệ phí trái luật.

Phí trông giữ xe là nỗi bức xúc thường trực của người dân đô thị

Bức xúc vì phí chồng phí

Ngay đầu phiên giải trình, ĐB Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng hỏi: “Tình trạng phí chồng phí, lạm thu phí, lệ phí diễn ra phổ biến trên mọi lĩnh vực. Nhiều loại phí không phù hợp đang chất tải lên vai người dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của ngành trước tình trạng này?”. ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp: “Dư luận bức xúc có hàng trăm loại phí đè lên người dân. Đây cũng là gánh nặng đối với doanh nghiệp. Áp lực này là do một số bộ, ngành địa phương còn tự đặt ra một số phí, lệ phí. Bộ Tài chính có biện pháp gì kiểm soát phí, lệ phí trái luật?”.

Trước bức xúc của các vị ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện tại có 301 khoản phí và lệ phí. Pháp lệnh về phí và lệ phí đã có quy định rõ cơ quan nào được ban hành cũng như các loại phí, lệ phí nào được ban hành. Bộ trưởng giải thích: “Như vậy, không nhiều đến mức 400- 500 loại như báo chí nói. Qua nhiều lần kiểm tra, rà soát, có 340 khoản ban hành không đúng quy định đã được bãi bỏ, nhiều khoản trước đây có thu, hiện đã được miễn, như phí an ninh, trật tự, phòng chống thiên tai...”. Bộ trưởng cũng thông tin, hiện nay, một số địa phương tổ chức áp dụng một số khoản thu thực chất không phải là phí, lệ phí (nhưng vẫn bị hiểu nhầm là phí) như “phí” giao thông, bến bãi... 

Chưa thể hài lòng về phần giải trình của Bộ trưởng, nhiều ĐBQH đã nêu câu tái chất vấn. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa  nhận, hiện nay, vẫn có tình trạng lạm thu. Nhiều khoản thu vẫn núp bóng phí, lệ phí. Bộ trưởng cam kết sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định để chấn chỉnh hoạt động này.

Điều chỉnh phí sử dụng đường bộ 

Đề cập tới phí sử dụng đường bộ - loại phí được người dân rất quan tâm - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách   Đinh Văn Nhã phản ánh: “Khi áp dụng thu phí đường bộ thì đã xóa bỏ các trạm thu phí của nhà nước, nhưng riêng trên Quốc lộ 1 đã có khoảng 20 trạm thu phí BOT, có chuyện phí chồng phí không?”. 

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, vừa qua, Bộ đã tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện phí bảo trì đường bộ. Theo đó, đã chuyển việc thu phí tại các trạm của Nhà nước thành thu theo đầu phương tiện, hiện chỉ còn các trạm BOT thực hiện thu phí. Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định, Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương họp theo quý, các khoản chi đều được công khai minh bạch, Bộ đang đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán để rút kinh nghiệm, làm tốt hơn. “Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện đã phát hiện một số bất hợp lý, Bộ đang trình sửa đổi một số điều về mức thu, đối tượng thu... đầu tháng 6 tới đây sẽ trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt”, thứ trưởng nói.    

 

Ông Nguyễn Hồng Trường cho rằng, không có chuyện phí chồng phí: “Quốc lộ 1 ngân sách không đủ tiền làm nên kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao). Cả tuyến có 17 trạm BOT. Giả sử không thu phí ở các trạm BOT thì cũng phải phân bổ vào phí thu qua đầu phương tiện”. Tính ra, một xe container đi từ TP Hồ Chí Minh ra tới Hà Nội phải nộp phí 1,5 – 1,7 triệu đồng, là mức chấp nhận được. 

Cũng tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội    Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, giải trình của Bộ Tài chính và các bộ ngành có liên quan tuy có nhiều thông tin, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục làm rõ: “Đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí được ban hành, nhưng như vậy đã đủ chưa? Mới chỉ có các loại phí, lệ phí trong danh mục được rà soát, đã bỏ đi 340 loại, nhưng còn những loại không có trong Danh mục đã được ban hành một cách tùy tiện, không đúng pháp luật thì sao? Đặc biệt, trong tổ chức thực hiện, khâu thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa được kịp thời và chưa đúng mức”. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các bộ ngành liên quan coi các vấn đề ĐBQH đã nêu như những “đề bài” cần giải quyết thấu đáo, từ đó tiến tới xây dựng luật về phí và lệ phí. 

Bộ Tài chính đề xuất bỏ một số loại phí

Theo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí vừa được công bố, Bộ Tài chính đề xuất bỏ một số loại phí như phí xây dựng, phí an ninh trật tự hay phí phòng chống thiên tai, đồng thời Bộ Tài chính cũng cho rằng nên đưa một số khoản thu vốn là giá dịch vụ ra khỏi danh mục phí, lệ phí.
Bộ Tài chính đánh giá, trong danh mục phí và lệ phí đang có tình trạng một số loại phí trùng với khoản thu khác. Cơ quan này cũng cho rằng, hiện có thực tế là một số loại phí đang chuyển thành khoản thu không thuộc ngân sách Nhà nước hoặc giá dịch vụ nhưng vẫn có trong danh mục phí và lệ phí cũ như phí trông giữ xe, phí vệ sinh, phí qua đò, phí chợ, phí bến bãi…