“Méo mặt” vì thiếu giúp việc

ANTĐ - Từ sau tết, đi đâu anh Nguyễn Văn Bình, ở khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) cũng vội vội vàng vàng cho xong việc để về nhà chăm sóc cậu con trai nhỏ mới tròn 1 tuổi…

- Cứ nhìn tác phong của anh là biết ngay nhà có con mọn!

- “Hai vợ chồng son một con bằng bốn”, đằng này vợ chồng anh có đến hai nhóc mà người giúp việc lại đang “tạm nghỉ công tác”, ngóng mãi chẳng thấy lên. Vợ chồng anh phải phân công nhau, tranh thủ sắp xếp công việc để còn về trông nom “chúng nó” chứ chẳng biết xoay xở ra sao.

- Năm nào sau tết cũng thiếu giúp việc trầm trọng, sao anh không rút kinh nghiệm mà tìm cách giữ chân bà giúp việc?

- Muốn giữ cũng đâu có dễ. “Ôsin” bây giờ cũng làm kiêu lắm. Ngay như bà giúp việc nhà anh, đã trả lương cao ngất ngưởng, hết gần 3/4 tháng lương của vợ rồi, còn thưởng tết cho bà ấy đàng hoàng, vậy mà từ tết ra gọi điện giục mãi, bà ấy vẫn cứ khất lần bận cấy hái không lên được.

- Sao vợ chồng anh không đến các trung tâm giới thiệu việc làm?

- Có chứ. Gọi điện đến mấy trung tâm rồi nhưng ở đâu cũng nói khan, cháy người giúp việc. Mấy cặp vợ chồng trẻ trong khu chung cư nhà anh cũng tìm kiếm đỏ mắt, liên hệ đủ nguồn mà vẫn chưa tuyển được người. Ngay chị hàng xóm nhà anh, làm việc ở một công ty truyền thông, vừa phải viết đơn xin nghỉ việc không lương một tháng để ở nhà chăm sóc con nhỏ, cũng chỉ vì không thể tìm được người giúp việc.

- Số người nghèo, thất nghiệp ở các vùng quê ven thành phố còn nhiều lắm, số đi làm giúp việc cũng không ít. Vậy mà sao tìm họ sau tết năm nào cũng khó vậy?

- Người giúp việc thường chỉ nghĩ đây là việc làm tạm thời chứ ít khi gắn bó. Rồi có những chủ nhà thiếu tôn trọng họ. Ngay những nhà đã đối xử rất tốt với họ thì vấn đề còn ở chỗ lương chưa thỏa mãn. Nói chung có nhiều nguyên nhân lắm. Tình cảnh này gia đình mình cứ phải cố trông nhau mà chờ bà giúp việc lên thôi.