Mênh mông rừng tràm Trà Sư

ANTĐ - Nếu bạn một lần đến với An Giang mà bỏ qua chuyến khám phá rừng tràm Trà Sư thì thật thiếu sót. Đây là khu rừng đặc dụng với 140 loài thực vật, 70 loài chim, 11 loài thú, 22 loài bò sát, 22 loài cá... Khác với các khu rừng phía Bắc, nếu muốn khám phá rừng tràm du khách phải đi bằng tắc ráng ( có nơi gọi là vỏ lãi, một loại xuồng máy). 

Đến An Giang, bạn đừng quên khám phá rừng Tràm

Từ thành phố Long Xuyên rong ruổi trên xe máy, chúng tôi thẳng Tri Tôn hướng qua Châu Đốc để đến rừng Tràm. Rừng tràm Trà Sư với diện tích 845 ha vùng lõi và 643 ha vùng đệm thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.  Bạn khám phá rừng có hai cách: đi tắc ráng và đi xe máy.

Đi xe máy thì bị hạn chế vì không thể len lỏi vào sâu trong rừng và ngắm chim cò về làm tổ rất đông vào tháng 5, tháng 6. Còn đi tắc ráng thì mới đúng cách tham quan ở vùng sông nước: có thể len lỏi vào rừng qua các con sông, rạch, lung…Chỉ mất 55 nghìn đồng, bạn có thể tham quan rừng tràm Trà Sư. Sau khi mua vé, chúng tôi được cô hướng dẫn viên giới thiệu về các chặng đi thăm quan. Đầu tiên ngồi tắc ráng, len lỏi qua rừng tràm, ngắm cảnh thiên nhiên. Sau đó đến điểm dừng chân đầu tiên thì chuyển qua đi xuồng (chèo tay) đi ngắm chim cò về làm tổ. Cuối cùng là đi bộ hoặc đi xe đạp đến đài quan sát ngắm toàn cảnh rừng tràm.

Ở đây có thảm thực vật rất phong phú và đa dạng, được đánh giá là nơi có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại đồng bằng sông Cửu Long với 140 loài thực vật, 70 loài chim, 11 loài thú, 22 loài bò sát... 22 loài cá… Nơi đây còn có nhiều sông, rạch, lung... dấu ấn của thời khai hoang vùng đất phương Nam.

Càng đi, chúng tôi càng bị ấn tượng bởi thảm xanh mặt nước bởi đám bèo và hoa sen, hoa súng đã trải thảm xanh ngát một màu tạo cảm giác thật sảng khoái. Đi trong rừng tràm, thi thoảng bạn lại gặp đàn khỉ thoăn thoắt trèo trên những ngọn cây. Một vài con bạo dạn, tò mò đứng dọc mép nước, ngắm những người khách lạ. Ngoài bìa rừng, khung cảnh im ắng và tĩnh mịch lạ thường, nhưng càng đi vào sâu càng thấy những âm thanh rộn rã vui tai của muông thú.

Mất khoảng 40 phút bạn sẽ đến được điểm dừng chân đầu tiên. Tại đây, du khách sẽ phải chuyển sang một loại xuồng nhỏ, để đi vào tận giữa tâm rừng, nơi hàng năm, đủ các loài chim về đây làm tổ và sinh nở. Vì rừng tràm khá rậm rạp và cao nên chúng tôi rất khó khăn trong việc chụp ảnh. Thỉnh thoảng cũng có những chú cò sà xuống mặt nước, đi dạo quanh đám rễ tràm tìm kiếm thức ăn. Lúc này là cơ hội hiếm hoi cho chúng tôi tranh thủ bấm máy. Không bị gò bó thời gian, nên chúng tôi nán lại ngắm chim cò khá lâu, quyết săn được nhiều bức ảnh. Bác chủ xuồng cũng khá nhiệt tình khi giúp chúng tôi tiếp cận gần nhất với chỗ chim cò hay đậu và xuống kiếm ăn. 

Ở rừng tràm Trà Sư, điểm thích hợp nhất để ngắm toàn bộ cảnh rừng là đài quan sát. Để đến được đây chỉ có một cách là đi bộ. Len lỏi đường rừng rậm rạp chừng nửa giờ đồng hồ, chúng tôi đã đến được nơi này. Từ trên cao lộng gió, bạn có thể ngắm được cả dãy Thất Sơn hùng vĩ, thấy được cả ngọn Trà Sư, núi Két, núi Bà Đội Om, núi Cấm, xa xa là ngọn núi Cô Tô. Chúng tôi cứ thế ngắm nhìn mãi không biết chán và khi mặt trời bắt đầu lặn mới nuối tiếc ra về.