Mệnh lệnh đổi mới

ANTĐ - Với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động”, Diễn đàn kinh tế Mùa xuân do ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức đã tập trung “mổ xẻ”, phân tích những thành tựu và những hạn chế, yếu kém trong “cơ thể” nền kinh tế. Đồng thời, các chuyên gia đề ra những “liều thuốc” đặc trị giúp kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn và thoát khỏi đáy tăng trưởng; đặc biệt là thoát ra khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại với Trung Quốc.

Phân tích nguyên nhân khiến kinh tế phục hồi chậm, Viện trưởng Viện Kinh tế cho rằng, nợ xấu mới chỉ bị “xích lại” chứ chưa giải quyết được triệt để; cổ phần hóa còn chậm. “Nhiều khi bộ máy càng không làm được việc, càng đẩy doanh nghiệp vào chân tường, thì bộ máy lại càng khỏe. Điều này đi ngược lại nguyên lý thị trường và cần phải nhanh chóng xử lý”- ông Viện trưởng thẳng thắn phát biểu. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phản ánh thực trạng từ bức xúc trong giới doanh nghiệp được thể hiện trong kết quả khảo sát năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo đó, có tới 70% doanh nghiệp cho biết, muốn làm được việc thì phải “bôi trơn”. 

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đặt một số câu hỏi: “Cần xem lại việc cắt giảm thời gian nộp thuế, làm thủ tục hải quan có đúng như báo cáo không? Xem lại việc tái cấu trúc kinh tế nói nhiều, nhưng đã làm được nhiều chưa?”. Ông nói: “Chúng ta cứ thấy nước ngoài nói nước ta tăng trưởng hơn 6% là vui, nhưng tôi không thấy vui vì chúng ta phải trả giá đắt để có mức tăng trưởng đó”. 

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thì nhấn mạnh, phải chấn chỉnh ngay những yếu kém của bộ máy quản lý, quản trị. Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều đang phụ trách các cơ quan Nhà nước, sau khi bàn xong ở Quốc hội về địa phương phải làm việc, hành động một cách cụ thể. Không có người đương đầu quyết liệt thì không thể biến lời nói thành hành động. Nhiều ý kiến trên Diễn đàn kinh tế mùa Xuân đều khẳng định rằng, không tháo gỡ được những nút thắt, vướng mắc về thể chế thì không thể giải tỏa được những hạn chế, yếu kém đang ngăn cản hoặc làm chậm lại tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế. Nước ta có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, ngay cả khi thu nhập bình quân đầu người còn ở mức trung bình thấp.

Từ diễn đàn này, nhiều chuyên gia cùng đi đến một kết luận, trong đó nhấn mạnh, làn sóng đổi mới lần thứ hai đã trở nên rất cấp thiết. Đây là một mệnh lệnh, không thể không làm, dù rằng đổi mới lần này sẽ khó khăn hơn bội phần so với đổi mới lần thứ nhất bắt đầu cách đây 3 thập kỷ. Mũi nhọn đột phá của cuộc đổi mới là nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc thể chế. Có tháo gỡ những vướng mắc này rồi chúng ta mới tính đến cạnh tranh doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra quyết liệt.