Mẹ tôi - một người Hà Nội

ANTĐ - Bố mẹ tôi khá đông con, vậy mà bố tôi lại mất sớm, khi mẹ mới ngoài 40 tuổi. Lúc đó, chị cả, chị hai đã lấy chồng, tôi còn một lũ em, ba trai và hai gái, tất cả đang đi học. 

Mẹ có một khung cửi nhỏ, cặm cụi ngồi dệt khăn cho hợp tác xã. Chúng tôi đi học về là xúm vào giúp mẹ. Đứa thì quay xa quay suốt, đứa thì đi lấy nước vo gạo của các nhà hàng xóm về nấu cám lợn. Mấy đứa em trai rủ nhau đi xin cây chuối về băm để trộn vào cám. Nhà có chuồng lợn, chuồng gà ở sân sau dưới gốc  cây bưởi đào, cây ổi bên cạnh bể nước mưa…

 Nhà đông con, chồng lại mất, sống giữa thời bao cấp khó khăn nên năm nào mẹ tôi cũng làm một vại tương, muối một vại cà và lúc nào nhà cũng có thêm vại dưa cải chua nén chặt. Trong một bài thơ của mình, tôi đã từng viết:

Lá cải già mẹ không nỡ bỏ đi

Vại dưa mặn suốt thời thơ bé

Guốc không có, chân lau vào chổi rễ

Chị lớn rồi, áo chật vá nhường em…

Hồi năm 1970-1971, chiến tranh chống Mỹ đang hồi quyết liệt, hợp tác xã không dệt khăn nữa. Lúc này tôi đã là phóng viên Báo Hà Nội mới, tôi xin cho mẹ vào nhà in của báo đưa các cháu nhỏ đi sơ tán. Mẹ tôi, lúc đó khoảng gần 50 tuổi, giản dị, chăm chỉ và luôn tươi cười nên được mọi người rất quí. Bác Lân, giám đốc nhà in có vợ đã mất, tâm sự:

- Cháu ơi, mày làm thế nào để mẹ mày chịu nói chuyện với bác nhé. Thú thật, là bác rất quí mẹ mày. Bác mà được mẹ để mắt tới, thì hay quá…

Tôi rất thương mẹ. Bố mất đã gần chục năm, chúng tôi giờ đã lớn cả, các con mẹ đều đã có công ăn việc làm. Mẹ mà thân với bác Lân thì bác và mẹ đều đỡ khổ...

Nhưng mẹ tôi chỉ cười:

-Vớ vẩn. Mày có lớn mà chưa có khôn con ạ.Thời buổi bom đạn này, tao một tay nuôi chúng mày ăn học, giờ mà lao vào cảnh con anh, con tôi… Có mà loạn!

Và mẹ tôi đã ở vậy từ khi ngoài 40 cho đến năm mẹ mất, là 93 tuổi. Các con của mẹ, giờ đã nghỉ hưu gần hết, nhưng ai cũng là cán bộ nhà nước. Cậu cả  là Cục trưởng, vừa mới nghỉ hưu. Cậu út đã được phong Thiếu tướng. Mẹ tôi đã làm theo lời dặn của bố tôi và bà đã truyền lại lời dặn đó cho các con trai con gái của mình: “Gia tài để lại cho các con, không gì bằng việc học”. 

Tôi nhớ, hồi còn chiến tranh, một hôm trời đột ngột trở lạnh, xuống nhà in, thấy mẹ không mặc áo rét, tôi vội đạp xe về nhà, lấy cái áo bông trần của mẹ, buộc sau xe mang đến cơ quan.  Nhưng khi xuống xe, quay lại, tôi giật mình không thấy áo bông của mẹ đâu! Chắc là nó đã rơi khi tôi đạp vội vàng. Tôi quay xe lại tìm,không thấy!

Tôi xuống nhà in, ôm mẹ, khóc:

- Con đánh mất cái áo bông của mẹ rồi. Trời sắp  lạnh, mẹ lấy gì mà mặc đây?

Mẹ hỏi đầu đuôi, rồi cười hiền:

- Của đi thay người mà con. Không sao đâu. Mẹ còn cái áo bông sờn vẫn để trong hòm ấy, đừng khóc nữa...

Mẹ tôi, quê ở ngoại thành, nay là phường Tứ Liên quận Tây Hồ, một người chân quê, giản dị, chăm chỉ và hết lòng vì chồng vì con. Mẹ còn sống mãi trong tâm hồn chúng tôi.