MC Thảo Vân: "Làm từ thiện, tôi thích tự mình đi trao"

ANTD.VN -Thảo Vân tham gia hoạt động từ thiện khá thường xuyên. Cô cán bộ công đoàn của Đại học Quốc gia Hà nội, bàn về chủ đề từ thiện với phóng viên An ninh Thủ đô, bằng dáng vẻ dịu dàng, giọng nói truyền cảm,với những ý kiến khúc chiết…

- Thảo Vân ấn tượng với hoạt động từ thiện nào ?

Em đang nghĩ về sự kiện tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội chừng nửa tháng trước. Ở đấy, chúng em có làm một chương trình nghệ thuật “Ấm tình nghệ sỹ” rất hoành tráng - có sự tham gia của hàng trăm nghệ sỹ - để gây quỹ ủng hộ cho các nghệ sỹ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, hoặc đang bệnh tật, ốm đau...

Có một nhóm các nghệ sỹ là Xuân Bắc, Công Lý, Việt Thanh…, đứng ra cùng với Hội Nghệ sỹ sân khấu, tổ chức. Thực ra để nói về cái này, phải trở lại cách đây 2 năm (năm 2015) chúng em đã làm chương trình kiểu “Ấm tình nghệ sỹ” này rồi, vào thời điểm anh Hán Văn Tình (từng đóng vai Chu Văn Quềnh trong phim Mảnh đất lắm người nhiều ma -PV) đang bệnh rất nặng. Có chị Trà My, phối hợp cùng anh chị em đứng ra làm. Không phải là quá lớn đâu nhưng mà rất ấm áp, ấm cúng.

Tại sao lại nhắc đến sự kiện đó ra bởi vì nó mở đầu cho loạt chương trình kiểu dạng như thế. Và còn vì có một số người sau khi đi xem chương trình nghệ thuật đấy về, thì có viết những status kể rằng, cảm giác khi được nhận vé xem thì nghĩ rằng sẽ lại luộm thuộm thôi, lại giống nhiều những chương trình từ thiện khác thôi. Nhưng rồi xem xong, người ta bị bất ngờ, vì chương trình đẫm chất nghệ thuật.

Vai trò Hội Nghệ sỹ sân khấu trong sự kiện vừa rôi thì kiểu như là tư cách pháp nhân. Còn anh chị em nghệ sỹ thì tự kêu gọi, tụ tập nhau vào để làm. Đấy là cái tình đồng nghiệp, tình với nghề, tình nhân ái con người với nhau, tính chất từ thiện lẫn vào, tan vào theo cách tự thân. Niêm tin với nhau trở nên tự nhiên và lớn lao. Em xúc động.

- Niềm tin quan trọng thế nào trong các động từ thiện?

Anh có nhắc đến ở đầu câu chuyện về sự hiệu quả của Qũy Cơm có thịt bên anh Trần Đăng Tuấn. Theo em, hiệu quả vì có niềm tin. Tại sao người ta tin? Bởi vì người ta thấy cách làm hợp lý, người ta thấy cách cho hợp lý, người ta không thấy có sự thiếu minh bạch gì ở đấy, thì người ta tin.

Quan trọng theo nghĩa là trước nhất trong vấn đề từ thiện, phải là sự minh bạch. Từ minh bạch thì mới đến được niềm tin.

Tất nhiên, đi kèm với minh bạch thì còn phải là cách vận động, cách cho và cách nhận. Vì nếu chỉ minh bạch mà cách làm không hay, cách cho không hay, cách nhận cũng không hay, thì nó cũng dẽ không hiệu quả. Và nó sẽ không đạt được hết mục đích, giá trị của nó. Hiệu quả vật chất thì em cảm thấy chưa đủ, chưa thể nói hết được những cái giá trị thực sự của hoạt động ấy nếu mình làm đúng.

Nhưng mà, từ trước đến giờ, em cảm giác là cái cho và nhận của chúng ta, cái cách làm của chúng ta, đã bị mất lòng tin qua nhiều. Qua những câu chuyện bị người ta phanh phui, những chuyện trên báo chí, kể rằng có những vụ chuyển tiền đến những hộ nghèo, cuối cùng không đến tay hộ nghèo, bán luôn đồ từ thiện vừa nhận được, hoặc người thực sự nghèo không được nhận, trong khi đó cán bộ địa phương lại đưa vào danh sách nhận quà toàn người nhà, họ hàng người thân của mình, rồi quần áo từ thiện nhiều quần áo rách... Rồi cách người ta cho chẳng hạn, thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, người nhận có cảm giác đi nhận của bố thí.

Tất cả những thứ đó làm cho người ta mất lòng tin, gây nên cái cảm giác mông lung khi mình đóng góp vào một chương trình nào đó. Ngay cả các tổ chức, các đơn vị rất là lớn, đứng ra kêu gọi, nhưng thực sự cuối cùng kết quả nó như thế nào, ra sao, em chưa từng thấy công bố một cách minh bạch và rõ ràng. Tổng số tiền thu được từng này từng này, nhưng cuối cùng đầu ra, tức là những con số thể hiện đã đưa ai, làm gì, để mọi người có thể đối chiếu, thì em chưa từng thấy. Đấy cũng là lý do người ta thiếu niềm tin.

- Em đánh giá ra sao về việc nhiều người không muốn thông qua các tổ chức trung gian, mà muốn tự mang quà từ thiện đi cho?

Thực ra thì em thấy chuyện tự đi có cái hay có cái không hợp lý vì nó sẽ không phát huy được hết.

Nhưng tại sao người ta quyết định tự đi? Vì một là bản thân người ta muốn tham gia trực tiếp vào hoạt động đấy. Nó có giá trị đối với người ta hơn là cái giá trị người ta mang tiền đi đâu đó đóng góp, rồi người ta không biết đồng tiền đi đâu, chưa nói người ta có thể nghi ngờ cái đích đến của số tiền hay quà.

Người ta muốn là tự mình được chia sẻ, được sống trong cảm xúc đấy. Muốn được biết cái người nhận số quà tặng mà mình đã chắt bóp dành dụm, là ai? Có xứng đáng được nhận hay không?

Đấy là một cảm giác rất thật và lúc đấy thì cái vật chất mà người ta trao đi nó không còn đơn thuần là vật chất nữa, nó có giá trị tinh thần rất lớn đối với chính bản thân người cho, Còn nếu gửi qua trung gian, người ta vĩnh viễn không bao giờ cảm nhận được cái cảm giác thực tế lúc người ta trao cho người nhận nó là thế nào? Làm thiệt thòi đi rất nhiều cảm xúc. Về mặt tinh thần thì có thể người ta muốn được tự mình có được trải nghiệm đấy,  nên đấy là lý do người ta muốn đi.

Hai là người ta thiếu niềm tin vào cái tổ chức và những đơn vị trung gian, người ta thiếu niềm tin và người ta có cơ sở về điều đấy. Bởi vì rõ ràng cho đến cuối cùng người ta không biết tiền đi đâu hay có thực sự đến cái nhân vật mà người ta muốn hay không? Em chưa nói đến đơn vị trung gian, em đang nói đến người cho.

Cái thứ ba, là mỗi một lần mình bước chân ra ngoài là một lần mình học. Đối với người ta, không chỉ đơn thuần là chuyện trải nghiệm cần thiết.

Chỉ riêng chuyện bước ra ngoài, đến một đâu đó và thấy rằng là cuộc đời nó như thế, còn quá nhiều điều như thế, thì với tư cách người cho như em đã từng trải qua, thì em thấy rằng đó chính là một động lực để nghĩ rằng, mình may mắn lắm rồi so với những người khác.

Em cho rằng đó không chỉ là hạnh phúc của mình, hạnh phúc của người cho nữa, mà mình còn được nhận giá trị rất là lớn của những trải nghiệm thực tế bằng mắt, bằng tai. Điều đó không thể qua bất cứ ai được, không thể nghe tả qua bất cứ ai.

- Thế còn Thảo Vân?

Bản thân em cũng muốn đến tận nơi là vì thế. Em cũng hay tự mình đi. Với người nhận, nếu họ được trực tiếp gặp gỡ giữa những người mà trao tặng cho họ, thì đấy cũng là niềm vui, cũng là hạnh phúc. Tuy nhiên cái này thì nó phải là kết quả của quá trình cho và nhận, thái độ cho món quà mình định tặng.

Và cả giá trị thực tế của món quà, kể cả từ tinh thần nữa. Em cho rằng, thái độ của người nhận nhiều khi phụ thuộc rất nhiều vào người cho. Người cho phải tìm hiểu về người kia, biết được món quà có cần thiết không với người nhận?

Ví dụ em tặng anh cái đồng hồ này chẳng hạn, nhưng chắc gì anh đã thích, vì anh hoặc đang không thiếu đồng hồ hoặc anh đang không cần đồng hồ, đúng không?