Máy đo an toàn thực phẩm: Kém xa lời đồn

ANTĐ - An toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề mọi gia đình đặc biệt quan tâm. Nắm được tâm lý đó, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và tung ra các thiết bị đo độ an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều thiết bị chỉ có thể giúp người tiêu dùng yên tâm về… tâm lý.

Máy đo an toàn thực phẩm: Kém xa lời đồn ảnh 1Máy đo dư lượng nitrat không kiểm tra được hết các thành phần độc hại khác của thực phẩm

Phát hiện nhanh thực phẩm bẩn?

Được bạn bè giới thiệu, chị Đặng Như Quỳnh (ở Trung Kính,  Hà Nội) nóng lòng muốn sở hữu một chiếc máy đo an toàn thực phẩm. “Máy đo an toàn thực phẩm này đã có mặt ở hơn 80 nước trên thế giới, được cả các nước phát triển công nhận và Việt Nam cấp phép cho bán. Thế nên chất lượng có thể yên tâm”- chị Như Quỳnh hào hứng. Theo bà nội trợ này, đó là chiếc máy Soeks Nuc-019-1 do Nga sản xuất. Kích thước máy chỉ nhỏ gọn như một chiếc điều khiển tivi, có hướng dẫn sử dụng tiếng Việt và được bán với giá 4,5 triệu đồng/chiếc. Máy được nhập khẩu về Việt Nam  do một doanh nghiệp duy nhất phân phối. 

Lời giới thiệu từ nhà sản xuất, phân phối cho biết, Soeks Nuc-019-1 là thiết bị đo lường dư lượng Nitrat và chất phóng xạ trong thực phẩm tiêu dùng, giúp người sử dụng phân biệt thực phẩm an toàn hay không. Máy sẽ báo kết quả gần chính xác hàm lượng chất độc hại Nitrat trong các thực phẩm như thịt, trái cây, cá… chỉ sau 15 giây. 

Ngoài chiếc máy này, thị trường Việt Nam còn có máy đo Nitrat và phóng xạ Ecotester. Thiết bị này tích hợp 2 chức năng: đo dư lượng Nitrat và đo lường chất phóng xạ theo chuẩn cảm biến Geiger-Muller trong thực phẩm. Đáng chú ý, thiết bị này có một chức năng gọi là đo “Thực phẩm an toàn dành cho bé” để giúp các bậc cha mẹ lựa chọn thức ăn an toàn dành cho con. Giá bán chiếc máy này dao động từ 6-6,5 triệu đồng/chiếc. Với loại máy xách tay, giá bán thấp hơn hàng nhập khẩu khoảng 1 triệu đồng/chiếc.

Trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối tại Việt Nam, máy đo an toàn thực phẩm được nhiều bà nội trợ truyền tai nhau mua về sử dụng dù tác dụng của sản phẩm này có được như lời đồn đoán hay không thì… chưa biết! 

Máy đo an toàn thực phẩm: Kém xa lời đồn ảnh 2

Ngoài nitrat, thiết bị xét nghiệm nhanh không tìm được các chất độc hại khác
trong thực phẩm

Có sự nhầm lẫn về công năng

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), phải gọi chiếc máy này là máy đo dư lượng nitrat trong thực phẩm thay vì gọi là máy đo an toàn thực phẩm để tránh làm người tiêu dùng hiểu lầm về công năng của nó. “Đây là thiết bị điện tử tự động có gắn một đầu cảm ứng nên nó sẽ thay đổi độ nhạy sau một thời gian sử dụng. Để đảm bảo thiết bị này hoạt động chính xác lâu dài, người tiêu dùng cần mang thiết bị đến các cơ sở đo lường để kiểm tra”- PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo. 

Thực tế cho thấy, ngay cả nhà phân phối sản phẩm cũng chỉ giới thiệu đây là loại máy kiểm tra dư lượng nitrat trên thực phẩm và không thể phát hiện, cảnh báo được các nguy cơ mất an toàn vệ sinh khác. Thực phẩm an toàn, vệ sinh còn cần đảm bảo các tiêu chí khác như: chỉ số kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất độc hại khác hay có nhiễm vi sinh vật hay không… thì máy này không kiểm tra được. Tuy nhiên, do lời giới thiệu mập mờ là “giúp người sử dụng phân biệt được thực phẩm an toàn không” nên nhiều người nhầm lẫn. 

Đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay: “Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp cho đơn vị nhập khẩu thiết bị này cũng ghi rõ: “Bộ xét nghiệm nhanh dư lượng Nitrat trong củ, quả tươi Soeks Nuc-019-01”. Vì vậy, người tiêu dùng không nên nghe theo lời đồn để mua sản phẩm theo phong trào. Nếu thực sự cần thiết thì nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, giới thiệu về thiết bị trước khi quyết định lựa chọn”.

Phản ánh từ một số người đã sử dụng sản phẩm cũng cho thấy, rất khó để đánh giá được kết quả chiếc máy này báo cho người dùng chính xác như thế nào. Hơn nữa, việc sử dụng sản phẩm cũng khá phiền phức, bởi người mua hàng nếu đem sản phẩm này ra chợ để đo lượng   nitrat rồi mới lựa chọn thì càng không dễ. 

Theo Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, nitrat tồn dư trong rau củ là do sử dụng quá nhiều phân bón hóa học để nông sản phát triển nhanh và bón gần thời điểm thu hoạch. Nitrat cũng có thể tìm thấy trong các hóa chất bảo quản chứa gốc nitrat dùng để ép chín hoặc giữ tươi hoa quả, thực phẩm. Bản thân nitrat không phải là chất gây ung thư, nhưng có thể gián tiếp gây ra ung thư khi nó biến thành nitrit, chất này kết hợp với gốc amin tự do tạo thành tiền chất gây ung thư.