Máy bay tư nhân - thị trường tiềm năng

ANTĐ - Quần áo đồ hiệu, nhà cửa sang trọng, xe hơi hào nhoáng… dường như là chưa đủ đối với tầng lớp siêu giàu mới nổi ở Trung Quốc, bởi giờ đây họ đang tìm mua du thuyền, xe đua và nhất là… máy bay trực thăng. Đây chính là cơ hội kinh doanh “trên trời” mà nhiều người đang nhắm tới.

Một chiếc máy bay tư nhân hạ cánh xuống sân bay quốc tế Hồng Kiều, Thượng Hải

Một điều dễ nhận thấy là nhu cầu về máy bay tư nhân đang tăng lên nhanh chóng trong tầng lớp nhà giàu ở Trung Quốc. “Chúng tôi muốn ra khỏi thói quen tẻ nhạt của cuộc sống kinh doanh”, ông Guan     Hongsheng, 44 tuổi, người sáng lập công ty chuyên xuất khẩu quần áo, mũ nón, giày dép và vật tư xây dựng sang Mỹ và châu Âu thừa nhận. Năm 2008, người đàn ông này đã lập một câu lạc bộ để “giới thiệu lối sống lành mạnh và đầy thách thức” cho tầng lớp giàu có trên quê hương Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, đó là “chơi” xe đua, du thuyền và trực thăng. Những trò tiêu khiển này đòi hỏi sự đam mê, thời gian và tất nhiên là rất nhiều tiền. Câu lạc bộ này giờ đã có hơn 100 thành viên, trong đó 80% thuộc về thế hệ giàu có thứ hai.

Hiện giờ Trung Quốc vẫn cấm sử dụng không phận tầm thấp nhưng tương lai của thị trường máy bay tư nhân này là đầy hứa hẹn bởi cơ quan kiểm soát không lưu Trung Quốc mới đây cho biết, sẽ xem xét nới lỏng lệnh cấm trong năm 2012 trên cơ sở thử nghiệm. Đầu tháng 1, vùng trời dưới 1.000m ở Đông Bắc, Trung và Nam Trung Quốc, cũng như 6 thành phố thí điểm đã được mở cửa cho các chuyến bay huấn luyện và giải trí.

Theo thống kê, tới cuối năm 2010 Trung Quốc đại lục đã có 1.010 máy bay nhỏ được đăng ký, con số còn khiêm tốn so với Mỹ - nơi chiếm 2/3 tổng số máy bay loại nhỏ của thế giới. Trong khi đó, hãng tin Reuters hôm 24-2 đưa tin, 3 năm trở lại đây, các công ty máy bay tư nhân ở Hồng Kông nở rộ do các ông chủ giàu có muốn sở hữu một chiếc máy bay riêng và tránh thủ tục rườm rà, thuế cao ở đại lục. Chinadaily cho biết, khảo sát gần đây của Viện nghiên cứu Hurun cho thấy, cứ 6 người Trung Quốc sở hữu số tài sản hơn 1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 158 triệu USD) thì có 1 người muốn mua máy bay riêng.

Có cầu ắt có cung, có lẽ thấy được tiềm năng đó mà nhiều nhà sản xuất máy bay tư nhân tên tuổi như Boeing Business Jets, Gulfstream, Embraer,  Dassault và Bombardier đang nhắm vào châu Á, mục tiêu hàng đầu là Trung Quốc. Tín hiệu rõ ràng nhất là màn quảng cáo rầm rộ chiếc máy bay mới của nam tài tử Jackie Chan, người được coi là “đại sứ” của hãng sản xuất máy bay Embraer, Brazil. Mỗi hãng đều chú trọng không chỉ đến yếu tố nội thất, chất lượng máy bay mà còn là huấn luyện, phi công, dịch vụ mặt đất…

Cũng là kinh doanh “trên trời”, lĩnh vực khác phải kể đến là dịch vụ hàng không tư nhân. Như Private Jet Journeys, có trụ sở tại Mỹ, đang tiếp cận thị trường Trung Quốc bằng những gói thiết kế độc quyền về đi lại bằng máy bay riêng. Theo một khảo sát của Viện nghiên cứu Hurun năm 2011, gần 90% số triệu phú người Trung Quốc ra nước ngoài, mục tiêu là tham quan và mua sắm. Bà McBride, Giám đốc điều hành Private Jet Journeys cho biết, khách hàng của họ được đáp ứng dịch vụ hoàn hảo nhất trước những yêu cầu kiểu như: tham quan một số nhà máy, kết hợp chơi golf và tìm trường cho con cái học hoặc cần một chuyến du lịch trọn gói bằng máy bay phản lực tư nhân để mừng sinh nhật vợ 40 tuổi…

 Bên cạnh đó, khi sân bay ngày càng trở nên đông đúc và tắc nghẽn, nhiều người quan tâm đến máy bay tư nhân vì nhu cầu được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. “Bạn có thể làm ra nhiều tiền, nhưng thời gian thì không thể tạo thêm ra được. Vì thế, dù có là người giàu nhất trên thế giới thì đôi khi vẫn phải chờ đợi ở sân bay 5-7 tiếng đồng hồ để có thể tới nơi ký một hợp đồng mới”, bà Jane McBride nhấn mạnh.