Máy ảnh phim và những nỗi niềm hoài cổ

ANTD.VN - Chụp ảnh bằng máy phim vẫn tồn tại trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật bấy lâu nay. Khi dường như đã quá no nê với ảnh kỹ thuật số, không ít người lại chân chất tìm về với ảnh phim. Cũng giống như, khi con người ta đã quá dư thừa cá, thịt lại có xu hướng rộn ràng tìm về rau dưa vậy.

Khi truyền thông ngày một phát triển, con người dễ kết nối, chia sẻ với nhau hơn về sở thích thì số lượng người đam mê chụp phim ngày một nhiều thêm. Mới đây, một thành viên trong nhóm “Phim photo club” (Câu lạc bộ chụp ảnh phim trên Facebook hiện có hơn 42.000 thành viên) đăng lên câu hỏi: “Chụp ảnh phim  để làm gì?”, ngay lập tức những người cầm máy phim trở nên rôm rả đưa ra vô vàn các lý do...

Có người đùa: “Chụp ảnh để cúng Facebook, ảnh phim thì cúng Facebook được nhiều like hơn”, để “lên mặt với đời"; người lại trầm ngâm: “Khi tất cả mọi thứ đều đổi thay thì những bức ảnh vẫn không bao giờ thay đổi”… nhưng nguyên nhân “bén duyên” với máy ảnh phim nhận được nhiều ủng hộ: Chụp phim do mong muốn tìm về những điều sâu sắc, thích hoài cổ và vun đắp cuộc sống nội tâm trở nên phong phú.

Máy ảnh phim và những nỗi niềm hoài cổ ảnh 1Hà Nội qua những bức ảnh chụp bằng phim (100 bức ảnh đang được giới thiệu triển lãm tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm số 2 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Trào lưu dùng máy phim trở lại

Những người từ trung tuổi trở lên đến với máy ảnh chụp bằng phim như sự hoài niệm, còn phần lớn giới trẻ là do sự tò mò, thử trải nghiệm. Song trong giới trẻ, không ít người có xu hướng hoài cổ, họ hay đến những quán cà phê cũ, trải nghiệm những điều đã cũ thay vì chạy theo xu hướng thị trường.

Một số ít những sinh viên học về nhiếp ảnh, họ được học mọi thứ từ khởi điểm. Khác hoàn toàn với máy ảnh phim, máy ảnh kỹ thuật số nhanh, gọn, tiện lợi, chụp xong có hình ngay, khả năng lưu trữ thoải mái, nếu không thích hoặc thấy tấm ảnh không đẹp thì dễ dàng xóa ngay lập tức. Ở máy phim có những đặc trưng riêng, ảnh đã chụp thì không thể xóa nên  người chụp máy phim cần nhẫn nại, nắn nót trước khi bấm máy, chưa kể để có thể ra một bức ảnh đẹp, cần rất nhiều công đoạn, xử lý.

Mỗi loại phim cho ra một màu ảnh riêng. Đối với các nhiếp ảnh gia, mặc dù chất phim đó có thể chỉnh lý được nhưng cái cảm giác của người chụp khi nhận được ảnh  khác hoàn toàn so với việc chỉnh màu ảnh trên máy. Tất cả chất lượng ảnh từ máy phim đều do máy + phim + người chụp mà ra, hoàn toàn tự nhiên. Đôi khi người ta không thể biết trước ảnh có chất lượng như thế nào, có bị rung không, ánh sáng đã đủ chưa… và muôn ngàn bí ẩn khó thể đoán biết cho đến khi có kết quả tráng phim. Có chàng trai còn so sánh, chờ đợi tráng một tấm ảnh phim hồi hộp như lần đầu đi gặp bạn gái mà mình thích. Một ưu điểm nữa của máy ảnh phim là không cần phải chăm chút máy quá vì vỏ máy khá cứng, giảm được độ va đập.

Nói về tiền thì đầu tư cho máy phim và cả phim chụp không nhiều thì không như nhiều người lầm tưởng. Có người nói chụp ảnh phim là thú vui của nhà giàu. Nhưng thực ra không phải vậy, nếu mua với mục đích chụp thì giá rất phải chăng. Giá máy phim rất vô vàn, tùy thuộc vào chức năng. Có những chiếc máy vài trăm ngàn, có những chiếc máy vài chục triệu đồng. Giá trị tùy thuộc vào thương hiệu, chất lượng ống kính đi kèm, hay chỉ đơn thuần là độ cổ của nó.

Nhiều sinh viên không có điều kiện dùng máy số, vẫn tìm đến máy phim rồi bất ngờ trước sự chững lại để tĩnh lặng với những bức hình. Còn thú vui sưu tầm máy phim cổ, hiếm thì vô chừng. Nhiều người không ngại chấp nhận trả giá “khủng” để đổi lấy niềm vui, đổi lấy tĩnh lặng “đốt phim” trong phút chốc.

Hoài niệm về khoảnh khắc

Một người bạn tôi ví von rằng: đời người như máy ảnh kỹ thuật số, chụp, xóa, rất nhanh nhưng cuộc sống ngoài kia lại là những thước phim, chụp, sai không thể quay trở lại. Khi tiếp cận quá nhiều với những thứ xô bồ, người ta bắt đầu tìm về với những thứ an nhiên, máy phim là một trong những thứ đó.

Và thường, kỷ niệm đáng nhớ nhất của những người bắt đầu chụp máy phim là đã hỏng cả chục cuộn phim trước khi có được một kiểu ảnh ưng ý cho mình. Máy ảnh số dùng cảm biến và chip điện tử để tính toán các thông số, còn máy phim tính toán thông số chụp chỉ có thể tương đối. Máy phim giống như phong thư viết tay, còn máy số giống như email (thư điện tử).

Trước khi có thể dùng email, con người ta phải biết cách tỉ mẩn viết một bức thư đúng nghĩa, có vậy họ mới hiểu được giá trị của ngôn từ, giá trị của hình ảnh. So sánh như vậy, vì người đã đam mê rồi đến yêu ảnh phim, họ cho rằng máy phim có thể như một tri âm giúp họ tìm về những gì vẹn nguyên của ngày tháng cũ.

Máy phim giống như thứ đồ cổ xưa, dành cho những người ưa sống chậm, thích tận hưởng dư âm của thời gian. Ai muốn chụp ảnh “ăn xổi ở thì”, máy phim không thể hợp được. Vì một thước phim khi chụp ra không thể xoá được, cũng không thể nhìn được qua màn hình hiển thị, chỉ có thể cảm nhận bằng mắt, bằng trái tim hay những dòng cảm xúc. Có người chụp mỗi năm chỉ độ dăm ba cuộn phim rồi cất đi. Một năm sau mới lôi ra đi tráng rồi xem lại. Cảm giác ấy khiến họ thích thú, y như ký ức ùa về, quay ngược lại thời gian ngắm nhìn cuộc sống trước đó; nếu lỡ có chụp hỏng thì cũng vẫn nhớ mãi cái khoảnh khắc đúng ra lên ảnh chắc hẳn sẽ rất đẹp ấy...

Trước dòng chảy của sự phát triển và song song với nó là hào quang, cám dỗ, cái mới rồi sẽ che lấp cái cũ, có người lo  máy ảnh phim và những tấm phim âm bản liệu sẽ tồn tại được bao lâu khi vốn nó đang ngược dòng? Nhưng không, đoan chắc rằng máy phim vẫn sẽ trường tồn như mạch ngầm không ngừng chảy  bởi vốn biết cái gì trên đời cũng có thời, vậy nên có những người vẫn miết mải ôm vào lòng những thứ cổ xưa để lưu giữ.