Máu lừa của người đàn bà “tâm thần” họ Mông

ANTĐ - Tìm hiểu về những chiêu lừa của người đàn bà 40 tuổi, mang tên Mông Thị Ngọc - trú ở tập thể Văn công, Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, không ai nghĩ rằng đó là thủ đoạn của một người “bất thường” về thần kinh. Vậy nhưng Ngọc đã có được giấy xác nhận bị “điên” và đã tiếp tục gây án.

Bệnh án của Mông Thị Ngọc


“Nẫng” 5 tỷ đồng của ngân hàng

Ngày 28-5, chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khởi tố bị can đối với Mông Thị Ngọc cũng về tội danh nêu trên.

Theo tài liệu CQĐT, khoảng tháng 4-2010, bà Nguyễn Thị Đ, nhà ở huyện Từ Liêm, được người quen giới thiệu gặp Mông Thị Ngọc để nhờ vay giúp tiền của ngân hàng bằng hình thức thế chấp “sổ đỏ”. Theo thoả thuận, Ngọc sẽ cho bà Đ vay 1,5 tỷ đồng; đổi lại, bà Đ thế chấp “sổ đỏ” mảnh đất hơn 100m2 tại xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm.

Một tháng sau đó, bà Đ và Ngọc đến phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Tại đây, Ngọc và bà Đ đã lập giấy cam đoan, có sự làm chứng của 1 nhân viên phòng công chứng, nội dung Mông Thị Ngọc và bà Đ đã ký hợp đồng chuyển nhượng, hai bên cùng lập cam đoan để thoả thuận Ngọc giao cho bà Đ 1 tỷ đồng trên tổng số 1,5 tỷ đồng. Giấy cam đoan nêu rõ, sau thời hạn 1 năm kể từ ngày ký văn bản (18-5-2010), bà Đ sẽ phải thanh toán đủ cho Ngọc số tiền mà hai bên đã thống nhất. Trường hợp đến hạn phải thanh toán số tiền trên mà bà Đ không thanh toán được thì phải báo trước cho Ngọc 1 tháng để hai bên lập văn bản thoả thuận mới… 

Các nội dung cam đoan, cam kết công chứng chưa kịp “nguội” thì ngay trong tháng 5-2010, Mông Thị Ngọc đã sử dụng hợp đồng ký với bà Đ để làm thủ tục đăng ký xác nhận chứng nhận quyền sử dụng đất tên Mông Thị Ngọc tại Văn phòng Đăng ký đất và nhà huyện Từ Liêm. Ngày 29-6-2010, Ngọc ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, mang đi công chứng để vay của Ngân hàng thương mại CP Quốc tế Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm số tiền 5 tỷ đồng. 

Không biết bị Ngọc lừa, từ tháng 1 đến 7-2011, bà Đ cặm cụi nhiều lần mang tiền đến trả cho Ngọc tròn 1 tỷ đồng. Về phần mình, sau khi ôm của ngân hàng 5 tỷ đồng, Ngọc cũng không trả nợ theo đúng kỳ hạn mà tìm cách trốn tránh.

Chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV thông tin, CQĐT còn nhận được đơn của nhiều cá nhân tố cáo đã cho Mông Thị  Ngọc vay hơn 10 tỷ đồng. Theo nội dung đơn tố cáo, khi vay tiền của các cá nhân này, Ngọc đang là kế toán trưởng của hai công ty TNHH có địa chỉ tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy. 

Án chồng án

Thời điểm CQĐT CATP Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can đối với Mông Thị Ngọc về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị can này đang… thi hành bản án 24 năm tù giam cũng về tội danh nêu trên.

 

Trong “giới” tội phạm, việc một bị can liên quan đến nhiều vụ án, nhiều tội danh là hết sức bình thường. Song với người đàn bà họ Mông này, thời điểm của những lần phạm tội dường như có sự tính toán hệ số “an toàn” rất kỹ lưỡng. Thậm chí có lần, Ngọc còn được xem như bị hại trong một vụ án hình sự. Đó là vụ việc xảy ra ngày 13-10-2011; hôm ấy, Phòng CSHS CATP Hà Nội phối hợp với CAQ Tây Hồ đã giải cứu một phụ nữ bị một nhóm đối tượng bắt giữ trái phép trong  ngôi nhà ở phố Đặng Thai Mai. Nạn nhân chính là Mông Thị Ngọc. Là nạn nhân, nhưng Ngọc không “oan” chút nào, bởi cô ta liên quan đến việc vay nợ "tín dụng đen", có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều người. Đáng chú ý, thời điểm bị bắt giữ trái phép, Ngọc có bệnh án đang điều trị tại bệnh viện tâm thần. Và đây cũng là một trong những lý do cô ta được tạm hoãn thi hành bản án lên đến 24 năm tù giam.

Mông Thị Ngọc “đến” với bản án trên ra sao? Năm 2003, Ngọc ra tòa với mức án 13 năm tù giam về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Năm 2005, người đàn bà họ Mông tiếp tục ra trước vành móng ngựa trong vụ án khác, và bị tòa tuyên 11 năm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tổng hợp hình phạt tù, Mông Thị Ngọc phải chịu mức án 24 năm tù giam. Ngày 27-9-2010, TAND TP Hà Nội có Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù cho Mông Thị Ngọc 12 tháng, kể từ ngày 27-9-2010 đến 27-9-2011, với lý do: “Người bị kết án đang ốm đau, bệnh tật, sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.

Ngày 17-10-2011, CAQ Cầu Giấy nhận được Quyết định thi hành án đối với Mông Thị Ngọc. Nội dung quyết định thể hiện, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người bị kết án phải có mặt tại cơ quan công an. Nếu không có mặt, cơ quan công an sẽ tiến hành áp giải. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đến nơi cư trú của Mông Thị Ngọc để thông báo quyết định, người thân của cô ta cho biết, Ngọc đang điều trị tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Làm việc với cán bộ công an, đại diện bệnh viện cung cấp hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Mông Thị Ngọc. Theo hồ sơ bệnh án này, bệnh nhân Ngọc “vào viện ngày 30-8-2011; ra viện ngày 24-10-2011; chẩn đoán rối loạn cảm xúc lưỡng cực…”. Điều kỳ lạ là thời điểm mà Ngọc bị bắt giữ trái pháp luật tại quận Tây Hồ cũng là lúc cô ta… đang điều trị ở bệnh viện tâm thần. Phải chăng Mông Thị Ngọc đã trốn viện ra ngoài để rồi bị bắt giữ trái pháp luật? Cùng với câu hỏi này, một băn khoăn cũng cần được đặt ra đối với bệnh lý về tâm thần của người đàn bà họ Mông.