Thực hiện Mệnh lệnh 02 của Giám đốc CATP Hà Nội:

Mấu chốt phải làm tốt trật tự đô thị

ANTD.VN - Trong tổng số 1.300 điểm trông giữ phương tiện thì có tới gần một nửa là điểm trông giữ không phép, hết hạn giấy phép. Hàng trăm điểm tại các khu vực lấn chiếm đất công, đất dự án chưa triển khai, cũng như 13 điểm ở các gầm cầu đều biến thành bãi trông giữ xe trái phép...

Thượng tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng CSTT, CATP Hà Nội không giấu được khuôn mặt buồn bã khi đề cập đến những vi phạm liên quan các điểm trông giữ xe trái phép hiện nay. Chưa khi nào công tác giải quyết TTĐT được các cấp, ngành trong đó có CATP Hà Nội triển khai quyết liệt, với khí thế mạnh mẽ trong thời gian qua, tiêu biểu là Mệnh lệnh 02 của Giám đốc CATP Hà Nội.

Hàng trăm bãi trông giữ xe trái phép

Ngay ngày đầu tiên được bổ nhiệm đứng đầu lực lượng CSTT - CATP Hà Nội, công việc mà Thượng tá Trần Đình Nghĩa bắt tay vào làm, đó chính là yêu cầu Đội Tham mưu Tổng hợp trình hồ sơ điều tra cơ bản các tuyến phố, điểm vi phạm TTĐT, TTATGT trên toàn thành phố. Những số liệu cũ ấy ngay lập tức được kiểm tra lại, bổ sung trên cơ sở các cuộc kiểm tra thực tế.

Thống kê cho thấy, trên toàn thành phố hiện nay có 1.300 điểm trông giữ phương tiện, trong đó có 701 điểm có phép, 499 điểm không phép, hết hạn giấy phép. Đáng chú ý, có tới 408 điểm tại các khu vực đất công, đất dự án chưa triển khai.

Lực lượng CSTT CAQ Hoàn Kiếm nhắc nhở các hộ kinh doanh không được lấn chiếm vỉa hè làm nơi trông giữ phương tiện

Ngoài thực trạng bát nháo trông giữ xe, các điểm, tụ điểm vi phạm kinh doanh lòng đường, vỉa hè cũng nhức nhối không kém. 1.500 điểm, tụ điểm kinh doanh thường xuyên lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hè phố vi phạm có lẽ chưa phải là con số cuối cùng. Tình trạng chợ tạm, chợ "cóc" họp lấn chiếm lòng đường, hè phố, hành lang ATGT có chiều hướng gia tăng. kết quả thống kê hiện nay cho thấy, có tới 193 điểm chợ vi phạm; dưới lòng đường 38 chợ, trên hè phố 51 chợ, trong ngõ cả ở khu vực đô thị, ngoài đô thị cũng rất lớn.

Không ít lần PV Báo ANTĐ cùng với Trưởng Phòng CSTT đi khảo sát thực tế tại các địa bàn công cộng và lần nào cũng vậy, cuốn sổ tay của Thượng tá Trần Đình Nghĩa cũng chật kín địa chỉ vi phạm được bổ sung. Những vi phạm thường thấy được chỉ huy Phòng CSTT “điểm mặt” về TTĐT, TTATGT như xung quanh trung tâm thương mại lớn, bến xe, trường học, bệnh viện, hè phố trên khắp thành phố.

Nhiều địa bàn đã để xảy ra vi phạm về TTĐT, TTCC sau 24h như quán bar, internet, karaoke, hàng ăn uống gây ồn ào, nhếch nhác mỹ quan đô thị. Các tuyến phố đô thị kiểu mẫu vẫn xảy ra tình trạng treo móc hàng hóa, tấm biển quảng cáo... gây ảnh hưởng cho người đi đường.

Rõ người, rạch ròi trách nhiệm

“Chỉ ra được những vi phạm không khó, cái khó là làm sao phải giải quyết được triệt để vi phạm này. Đây là mục tiêu Ban chỉ huy Phòng CSTT đặt ra, quyết tâm hoàn thành theo tiến độ Mệnh lệnh 02 của Giám đốc CATP Hà Nội” - Thượng tá Đỗ Mạnh Ninh, Phó trưởng Phòng CSTT nêu quan điểm. Cụ thể hóa Mệnh lệnh 02 của Giám đốc CATP Hà Nội là Kế hoạch số 222 của Phòng CSTT ngày 20-3, được triển khai đến tất cả lực lượng CSTT trên toàn thành phố.

Trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ địa bàn, rõ trách nhiệm”, Phòng CSTT chỉ đạo đội trưởng các đội phải phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng vị trí công tác. Nếu vị trí nào, tuyến phố nào để xảy ra vi phạm thì từng chỉ huy, CSTT, CSKV... phải chịu trách nhiệm theo lĩnh vực, địa bàn mình được giao, phân công phụ trách.

Đối với những vi phạm TTĐT tái phạm nhiều lần, lực lượng chức năng tịch thu xử lý theo quy định

Nói đi đôi với làm, hàng ngày các đội đều có lịch triển khai kiểm tra từ 7h sáng đến 20h và sau 24h, trong đó tập trung vào những khung giờ cao điểm. Đội Tuần tra kiểm soát giữ gìn TTCC số 1, 2 tập trung vào việc kiểm tra, xử lý vi phạm như chiếm dụng hè phố, lòng đường, kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện...

Trong quá trình thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, đơn vị khác nhau như CAQ, CAP. Đội Cảnh sát Phản ứng nhanh số 1, 2 kiểm tra kiểm soát tại các địa bàn công cộng trọng tâm là khu vực giáp ranh, nơi có nhiều cơ sở kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, hoạt động tuần tra, kiểm soát kết hợp với việc tiếp nhận, giải quyết tin báo 113 cũng được đơn vị đẩy mạnh theo phương châm “nhanh nhất, mạnh nhất, hiệu quả nhất”.

Thống kê của Phòng CSTT cho thấy, chỉ trong 5 ngày thực hiện Mệnh lệnh 02 của Giám đốc CATP Hà Nội, Phòng CSTT đã cử 10 tổ công tác ra quân sắp xếp, kiểm tra xử lý các điểm vi phạm trên địa bàn thành phố. Lực lượng CSTT đã lập biên bản 2.618 trường hợp vi phạm, đình chỉ 1 điểm trông giữ phương tiện, giải tỏa hàng trăm bục bệ, cầu dẫn, tháo dỡ hàng trăm biển quảng cáo... Số lượng vi phạm mà CSTT tại Công an các quận, huyện, thị xã bị xử lý còn nhiều hơn, lên tới hơn 2.500 trường hợp.

Những vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tồn tại dai dẳng và chắc chắn để giải quyết triệt để, thì ngoài sự vào cuộc của CSTT phải có chính quyền các cấp

Thông tin với PV, Thượng tá Trần Đình Nghĩa đánh giá: Những kết quả bước đầu nêu trên đã thể hiện sự quyết tâm của lực lượng CSTT toàn thành phố. Mặc dù vậy, phía trước con đường làm đẹp các tuyến phố, vỉa hè của lực lượng CSTT vẫn còn quá nhiều gian nan, khó khăn.

“Phải làm tốt công tác tham mưu, kéo trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác giải quyết TTĐT, TTCC. Khi chúng ta đã thực hiện tốt được công tác sắp xếp TTĐT thì sẽ có tác dụng hiệu quả mạnh mẽ trong vấn đề xử lý những điểm vi phạm. Càng những điểm vi phạm mang tính hệ thống, phức tạp càng phải bị xử lý trước tiên và kiên quyết, không để tái phạm, lấn chiếm. Trách nhiệm của chính quyền cơ sở cần phải được thể hiện rõ hơn” - Thượng tá Trần Đình Nghĩa nêu quan điểm.