Máu “chợ đen” tràn lan

(ANTĐ) - Người chồng 85 tuổi cần phẫu thuật ngay nhưng các bác sĩ yêu cầu người vợ phải tự đi mua máu cho cuộc phẫu thuật. Vì vậy, bà Slavka Petrova tìm tới thị trường “chợ đen” bên ngoài Trung tâm Huyết học và truyền máu quốc gia ở Thủ đô Sofia, Bulgaria. Đây là một thực tế nghiệt ngã đối với các bệnh nhân và gia đình ở Bulgaria, nơi nguồn cung máu khan hiếm trong khi ngân sách eo hẹp.

Bulgaria:

Máu “chợ đen” tràn lan

(ANTĐ) - Người chồng 85 tuổi cần phẫu thuật ngay nhưng các bác sĩ yêu cầu người vợ phải tự đi mua máu cho cuộc phẫu thuật. Vì vậy, bà Slavka Petrova tìm tới thị trường “chợ đen” bên ngoài Trung tâm Huyết học và truyền máu quốc gia ở Thủ đô Sofia, Bulgaria. Đây là một thực tế nghiệt ngã đối với các bệnh nhân và gia đình ở Bulgaria, nơi nguồn cung máu khan hiếm trong khi ngân sách eo hẹp.

Thách giá cao

Tại các con đường xung quanh trung tâm, hơn chục người đàn ông ngồi hút thuốc trên ghế hoặc trong quán cà phê, sẵn sàng phục vụ người có nhu cầu. “Chưa đợi tôi nói, 3 người đàn ông đã tiếp cận và hỏi tôi đang cần nhóm máu gì”, bà Petrova, 82 tuổi, một công chức về hưu cho biết, “Giá bán được đưa ra rất cao 250 euro (355 USD), bằng cả tháng lương hưu của tôi. Tôi không nói gì, họ quyết định hạ giá xuống còn 200 euro (285 USD)”.

Rất đông người buôn máu chờ đợi khách hàng bên ngoài Trung tâm Huyết học và truyền máu quốc gia Bulgaria

Rất đông người buôn máu chờ đợi khách hàng bên ngoài Trung tâm Huyết học và truyền máu quốc gia Bulgaria

Khi vụ giao dịch được thực hiện, một người hiến máu đợi ở gần đó sẽ được gọi đến. Người này sẽ đóng giả là người thân của người mua máu, rồi họ cùng tới bệnh viện. Sau khi lấy máu, các bác sĩ sẽ kiểm tra, nếu không mắc bệnh, máu sẽ được đưa vào kho lưu trữ của bệnh viện, vụ giao dịch hoàn tất. Còn nếu máu bị phát hiện nhiễm HIV hay bệnh viêm gan B hoặc C, nó sẽ bị loại, người hiến máu sẽ bị đưa vào “danh sách đen”. Buôn bán máu và các sản phẩm máu là bất hợp pháp ở Bulgaria, với mức phạt lên tới 5.000 euro (7.100 USD), nhưng theo các luật sư, rất khó để chứng minh một vụ mua bán máu trái phép.

Mariana Shipkovenska, từng làm nhà báo, đã phải dựa vào những người bán máu trên thị trường “chợ đen” khi mẹ cô 89 tuổi trải qua phẫu thuật xương đùi. Mariana cho biết cô muốn tự mình cho máu nhưng sau khi kiểm tra y tế, các bác sĩ đã khuyên cô không nên làm vậy. “Họ là những người cho đi thứ vô giá khi bạn cần mà bạn không tìm thấy ở đâu”, Mariana chia sẻ. Trong khi đó, những người bán máu cho rằng họ đang làm một việc tốt. “Tôi không nghĩ đó là một hành vi phạm tội khi giúp người hoạn nạn”, một người bán máu giấu tên cho biết, “Tôi không thể tìm được việc làm, cho nên bán máu là cách để tôi và gia đình tồn tại”.

Khó ngăn chặn

Các nhân viên y tế tại Trung tâm Huyết học và truyền máu quốc gia biết rõ các vụ giao dịch bất hợp pháp nhưng họ không biết làm gì hơn. Có chăng, họ yêu cầu cảnh sát đẩy đuổi những người này ra khỏi khu vực cổng ra vào, nhưng một lúc sau họ lại trở lại. Bà Natalia Masharova, Phó giám đốc trung trâm thừa nhận không có cách thức hợp pháp để ngăn chặn hành động này. “Mặc dù đó là hành vi bất hợp pháp, nhưng mọi người có quyền tự do tới và hiến máu”, bà Natalia nói. Rumen Dimitrov, bác sĩ phẫu thuật ở ISUL, một trong những bệnh viện chính ở Sofia cho biết, ngày nào ông cũng gặp phải tình trạng thiếu hụt nguồn cung máu. “Do thiếu máu, một số ca phẫu thuật đã bị trì hoãn hàng tuần”, bác sĩ Dimitrov nói.

Việc hiến máu tự nguyện đã giảm dần tại Bulgaria trong 2 thập kỷ qua, khiến nước này chỉ đứng trên Albania, Bosnia và Moldova ở châu Âu về tỷ lệ người hiến máu tình nguyện - với tỷ lệ 23/1.000 người. Trong khi đó, theo Hiệp hội các ngân hàng máu Mỹ, tỷ lệ trung bình ở nước này là 53/1.000 người, tương đương với phần lớn các nước EU. “Chỉ một số ít người hiến máu tình nguyện, phần lớn mọi người hiến máu khi người thân hoặc bạn bè họ cần”, Stavri Toshkov, một chuyên gia hàng đầu về huyết học nói.

Hiện nhà chức trách

Bulgaria đang hối thúc người dân tích cực tham gia các chiến dịch hiến máu tình nguyện nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt máu và nâng cao nhận thức của người dân. “Đây là cách duy nhất để loại trừ mua bán máu trái phép”, Evelina Dinkova, một nhà tổ chức chiến dịch hiến máu ở Bulgaria cho biết.

Nguyễn Tuyên

 (Theo AP)