Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Mặt trận Tu Vũ - nơi mở đầu cho những trận đánh lớn

ANTĐ -Trận đánh đồn Tu Vũ là mốc son, là sự khởi đầu mạnh mẽ trong chặng đường đi đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
“Phải thắng, chỉ được thắng”- mệnh lệnh của toàn dân tộc

Hơn 60 năm, dấu ấn còn lại của mặt trận Tu Vũ (Thanh Thủy - Phú Thọ) -  nơi mở đầu cho chiến dịch Hòa Bình và cũng là trận công kiên lớn nhất của quân và nhân dân ta cho cuộc chiến tiếp theo ở Điện Biên Phủ. Trận đánh đồn Tu Vũ vẫn là dấu son, như một sự khởi đầu mạnh mẽ trong chặng đường đi đến chiến dịch Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam.

Tính ra, chẳng thể đếm được đây là lần thứ bao nhiêu tôi trở lại Tu Vũ. Với tôi, vùng đất ven con sông Đà có một sức cuốn hút kỳ lạ. Sức hút đó không phải là những nương bãi xanh rì ven sông; lại càng không phải là những xóm làng trù phú. Mà sức hút của Tu Vũ chính là những trận đánh công kiên lớn nhất của quân đội ta mở màn cho chiến thắng của chiến dịch giải phóng Hòa Bình cách đây hơn 60 năm (10/12/1951 - 25/2/1952).


Tượng đài chiến thắng Tu Vũ

Không giống với những lần trước, lần này trở lại Tu Vũ với tâm nguyện đi tìm lại những nhân chứng lịch sử - những người từng tham gia chiến đấu tại mặt trận Tu Vũ cách đây hơn 60 năm để được nghe họ kể về cái khí thế tiến công hào hùng theo mệnh lệnh “Phải thắng! Chỉ được thắng!” của vị Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi xưa. Trên suốt chặng đường từ Hòa Bình về Tu Vũ, tôi cứ mông lung về một điều gì đó không trọn vẹn. Bởi đã hơn 60 năm, chắc gì những nhân chứng sống năm xưa còn sống. Quả thực, cái dự cảm đó đã trở thành sự thật khi bà Phan Thị Hoan, Chủ tịch UBND xã Tu Vũ lắc đầu tiếc nuối: nhân chứng sống duy nhất từng trực tiếp tham gia đánh trận Tu Vũ là ông Đinh Công Hội vừa mới mất ở tuổi 83.

Vậy là không thực hiện được cái tâm nguyện tìm gặp nhân chứng sống trong trận đánh Tu Vũ năm xưa. Đang phân vân chưa biết sẽ làm gì tiếp theo thì bất chợt bà Chủ tịch UBND xã Tu Vũ nói như reo: tôi nhớ ra rồi, vẫn còn một người nữa cũng tham gia chiến dịch Tu Vũ hiện còn sống và cũng ở cách UBND xã không xa. Đó là bà Trần Thị Tâm năm nay khoảng 85 tuổi ở khu 3 xã Tu Vũ. Ngày xưa, bà là một trong số những y tá làm công tác tải thương, cứu chữa cho thương binh trong chiến dịch.

Đó là những thông tin vô cùng quý gia với chúng tôi lúc này. Theo chỉ dẫn của vị lãnh đạo xã, cũng không mấy khó khăn để chúng tôi tìm đến nhà bà Tâm. Trước mắt chúng tôi là một cụ bà với thân hình mảnh mai thục nữ, mái tóc bạc màu thời gian. Thời trẻ, chắc hẳn đây là một người con gái có nhan sắc yêu kiều. Chiến tranh đã làm cho họ trở nên gai góc và phi thường. Bà kể: ngày ấy tham gia trận đánh đồn Tu Vũ tôi mới 21 tuổi và là một trong số 2 đảng viên của xã. Do vậy đã được cấp trên cho đi chiến dịch. Tuy nhiên, là phận gái nên chỉ được tham gia làm công tác cứu chữa thương binh ở tuyến sau. Nhưng cho đến bây giờ vẫn không quên được những trận đánh ác liệt ở mặt trận Tu Vũ. Trong trí nhớ của bà Tâm thì đồn Tu Vũ được giặc Pháp xây dựng trở thành một cứ điểm kiên cố. Ngoài hệ thống đồn bốt với hỏa lực mạnh thì chúng còn bố trí 6 vòng dây thép gai bảo vệ...

Dập tắt những họng pháo của quân Pháp trên sông Đà

Được xem là vị trí trọng yếu trong việc bảo vệ tuyến hành lang phòng ngự dọc sông Đà nên tại Tu Vũ địch đã bố trí 3 đại đội bộ binh. Cùng với đó chúng còn tăng cường 1 trung đội xe tăng, 1 đại đội pháo. Với việc xây dựng Tu Vũ trở thành cứ điểm phòng ngự then chốt trên sông Đà, quân Pháp hy vọng sẽ ngăn được bước tiến của ta đánh lên giải phóng Hòa Bình. Để giải quyết vị trí án ngữ đường tiến quân của ta, sau khi cân nhắc, Tổng quân ủy đã quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt cụm cứ điểm Tu Vũ - Núi Chẹ bên sông Đà. Đây là một cứ điểm nằm bên tả ngạn sông Đà, cắm sâu vào địa phận tỉnh Phú Thọ.

Cứ điểm này do tiểu đoàn bộ binh Marốc số 1 - một đơn vị thiện chiến trấn giữ. Vị trí này chạy dài khoảng 300m bên bờ sông Đà, có chiều ngang hẹp, địa hình bằng phẳng và được chia làm 3 khu. Địch đã bố trí hỏa lực ở đây rất mạnh gồm 5 lô cốt có súng trọng liên và nhiều ụ súng máy và súng cối. Ngoài ra, còn có 6 xe tăng và xe thiết giáp. Đã tạo thành những ổ đề kháng di động trong cứ điểm. Cứ điểm này còn được hàng rào dây thép gai và bãi mìn rộng 24m bao bọc. Xung quanh cứ điểm đều được phát quang với địa hình bằng phẳng rộng hơn 100m...

Xác chiếc xe tăng mang số hiệu B2885498USA của quân đội Pháp bị anh hùng Cù Chính Lan tiêu diệt tại Giang Mỗ (Bình Thanh - Cao Phong) 

Tuy vậy, với quyết tâm “phải thắng và chỉ được thắng”, đêm ngày 10/12/1951 bộ đội ta đã nổ súng tấn công cứ điểm Tu Vũ. “Đó là một đêm trăng sáng do vậy, khi bộ đội tiếp cận mục tiêu chiếm lĩnh trận địa thì bị địch phát hiện và chúng đã bắn xối xả vào đội hình. Cùng với đó, pháo các vị trí xung quanh cũng cấp tập đồn về. Khi đó, dù cho anh em bộ đội bị thương vong nhiều nhưng tinh thần chiến đấu vẫn không hề giảm sút”, bà Tâm bồi hồi nhớ lại. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, vượt qua cơn bão đạn lửa, đến 5h sáng ngày 11/12/1951 Tu Vũ đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Tu Vũ thất thủ đã gây cho quân địch nỗi kinh hoàng. Vì đây là một vị trí được tổ chức phòng ngự cẩn mật nhất. Sau trận đánh, chỉ có một số ít quân địch sống sót bơi qua sông chạy trốn.

Kết quả, ta đã tiêu diệt 159 lính Pháp, bắt sống 12 tù binh, bắn cháy 1 xe tăng, 2 xe thiết giáp, phá hủy 5 khẩu pháo và thu nhiều vũ khí, phương tiện chiến đấu của địch. Về phía ta, để có được chiến thắng mở màn cho chiến dịch Hòa Bình cũng đã có 152 cán bộ, chiến sỹ anh dũng hy sinh, 490 người bị thương, hỏng 3 khẩu pháo 75mm và 2 khẩu pháo 85mm. Đây là trận đánh có thương vong lớn nhất của bộ đội ta qua 6 năm kháng chiến chống Pháp.

Và trong ký ức của mình, có lẽ chẳng bao giờ bà cụ Tâm có thể quên được đêm công đồn cách đây hơn 60 năm trên chính mảnh đất quê mình. Khi đó, toàn thân cô gái làm nhiệm vụ tải thương Trần Thị Tâm thẫm đỏ màu máu đào. Trong đó, có những người lính đã trút hơi thở cuối cùng trên lưng người chiến sỹ tải thương nhỏ bé. Sự hy sinh anh dũng đã làm nên chiến thắng, phá tan đồn bốt địch, giải phóng Tu Vũ sau 6 năm bị Pháp chiếm đóng; làm rung chuyển tuyến phòng thủ sông Đà của quân đội Pháp. Chiến thắng này là một trận công kiên lớn nhất của bộ đội ta tư trước tới nay. Chiến thắng Tu Vũ đã biểu hiện tinh thần quả cảm, hy sinh, tích cực, chủ động tiêu diệt địch, linh hoạt trong chiến đấu. Đã chứng tỏ bước tiến bộ của quân đội ta.

Những cô gái Mường giã gạo nuôi quân trong chiến dịch Hòa Bình

Thắng lợi to lớn này đã chứng tỏ khả năng đánh thắng quân Pháp với thế trận phòng ngự trong những công sự vững chắc có xe tăng, thiết giáp và hỏa lực pháo binh chi viện mạnh. Đặc biệt hơn, chiến thắng này đã tạo tiền đề cho các trận tiến công lớn sau này như chiến dịch Tây Bắc. Nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều đó đã được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Chiến thắng Tu Vũ là trận công kiên lớn, mở đầu thắng lợi của chiến dịch Hòa Bình. Góp nhiều kinh nghiệm quý cho các trận đánh, các chiến dịch sau này.

(Còn nữa)