Mặt trận G7 chống gây hấn ở Biển Đông

ANTĐ - Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) diễn ra cuối tháng này tại Nhật Bản đang lên kế hoạch đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về an ninh trên biển.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn hình thành một mặt trận nhân Hội nghị thượng đỉnh G7-2016 để phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông

Tờ “Thời báo Nhật Bản” (Japan Times) số ra ngày 15-5 dẫn lời một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến đề cập đến “Hồ sơ Biển Đông” nhân Hội nghị G7 diễn ra tại Nhật Bản cuối tháng 5 này. Thủ tướng Abe với cương vị chủ nhà, đồng thời là Chủ tịch Hội nghị sẽ thuyết phục các đối tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 - 2016 thành lập một mặt trận thống nhất chống lại các hành động “gây hấn” của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Thông tin trên tờ “Thời báo Nhật Bản” được đưa ra giữa lúc Nhật Bản đang hoàn tất các khâu chuẩn bị cuối cùng, từ vấn đề an ninh cho tới chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G7 - 2016 dự kiến diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-5 tới tại thành phố Ise Shima thuộc tỉnh Mie của nước Nhật.

Để chuẩn bị cho hội nghị này, các Ngoại trưởng G7 cũng đã nhóm họp vào trung tuần tháng 4 vừa qua tại thành phố Hiroshima và ra Tuyên bố Hiroshima, trong đó phản đối các hành động đơn phương mang tính khiêu khích hoặc gây sức ép nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế để bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông.

Vấn đề Biển Đông trở thành một trong những nội dung trọng tâm tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay sau khi Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra hung hăng hơn nhằm hiện thực hóa tham vọng đòi hỏi chủ quyền phi lý, bành trướng trên Biển Đông. Trong báo cáo thường niên về hoạt động quân sự của Trung Quốc năm 2015 trình Quốc hội nước này ngày 13-5,  Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, sau khi hoàn tất bồi lấp trái phép ở Biển Đông vào tháng 10-2015, Bắc Kinh bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo chiếm giữ trái phép, trong đó có 3 đường băng dài khoảng 3 km, cảng nước sâu để tiếp nhận tàu tải trọng lớn, hệ thống radar giám sát, điều hàng loạt máy bay chiến đấu J-11 và tên lửa phòng không HQ-9 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Những hành động gia tăng căng thẳng và gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh, tự do hàng hải và hàng không tại một vùng biển chiến lược trọng yếu chiến lược toàn cầu.

Chính vì thế, không chỉ có Mỹ và Nhật Bản là hai cường quốc có lợi ích sống còn gắn chặt với Biển Đông mà các thành viên của G7 cũng đã bày tỏ lo ngại sâu sắc, có thể thấy qua Tuyên bố của đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU), gồm cả các thành viên G7 là Anh, Pháp, Đức và Italia, với lời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế việc quân sự hóa trên Biển Đông, dùng hoặc đe dọa dùng vũ lực và thực hiện các hành động đơn phương.

Là chủ nhà của G7 - 2016, Nhật Bản tin rằng Tòa án trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) tại La Hay (Hà Lan) trong vài tuần tới sẽ đưa ra phán quyết với vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, theo đó khẳng định những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh đối với hầu hết toàn bộ diện tích Biển Đông là không hợp pháp.

Vì vậy, không chỉ mời các lãnh đạo G7, Thủ tướng Abe đã mời lãnh đạo một số quốc gia châu Á tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng để đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về an ninh trên biển.