Mặt trái của sổ liên lạc điện tử

ANTĐ - Nhằm tiết kiệm thời gian và khắc phục tình trạng liên lạc ngắt quãng giữa nhà trường và gia đình, sổ liên lạc điện tử (SLLĐT) đã ra đời với khá nhiều tiện ích. Tuy vậy, theo quan điểm của không ít người, hình thức liên lạc này không những tốn kém mà còn gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các em học sinh.

Các bậc phụ huynh không nên quá phụ thuộc vào sổ liên lạc điện tử

Chưa có hướng dẫn cụ thể

SLLĐT là cổng thông tin kết nối phụ huynh - nhà trường - giáo viên qua tin nhắn và Internet nhằm tạo ra sự tương tác hiệu quả trong công tác giáo dục học sinh. Với sổ liên lạc này, các trường có thể thông báo đến phụ huynh nhanh nhất các vấn đề như: Thông tin về lớp học, về điểm số, tình trạng sức khỏe học sinh. Đồng thời, phụ huynh cũng có thể gửi ý kiến phản hồi tới nhà trường, giáo viên. Tuy vậy, dù mới được đưa vào áp dụng nhưng hình thức liên lạc hiện đại này cũng đã bộc lộ không ít bất cập. 

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, trong ngày khai giảng năm học mới, hàng trăm phụ huynh học sinh trường tiểu học Hạ Đình, quận Thanh Xuân ngạc nhiên khi nhận được thông báo nghỉ đột xuất cùng khoản tiền được nhà trường yêu cầu đóng góp qua SLLĐT.  Liên lạc với giáo viên, họ mới được biết đây chỉ là tin nhắn thất thiệt do kẻ gian đột nhập vào hệ thống SLLĐT của trường tung ra. Việc làm này đã khiến gần 200 học sinh phải nghỉ học oan. 

Vụ việc đang được Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - CATP Hà Nội xác minh làm rõ. Tuy vậy, vụ việc là lời cảnh báo về tác hại của việc lơ là bảo mật hệ thống CNTT của các cơ sở giáo dục. Sau khi sự việc xảy ra,  đại diện Phòng Khoa học CNTT, Sở GD-ĐT Hà Nội đã khẳng định, hệ thống SLLĐT tại các trường hiện nay chủ yếu hoạt động dựa trên thỏa thuận của nhà trường và phụ huynh, không phải là chủ trương bắt buộc của ngành. Thời gian tới, phòng sẽ xem xét đề xuất lãnh đạo Sở có hướng dẫn thống nhất, cụ thể hơn với hệ thống này. 

Không chỉ có lỗ hổng trong công tác bảo mật mà SLLĐT cũng mang lại nhiều phiền toái cho phụ huynh và học sinh. Chị Lê Hồng Hải  - có 2 con đang học tiểu học ở quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, thông thường, khi muốn trao đổi với cô giáo về việc học tập, nề nếp sinh hoạt của con ở trường chị đều tranh thủ gặp trực tiếp cô giáo chủ nhiệm vào cuối buổi học. Do đó, từ khi nhà trường triển khai SLLĐT ở các lớp, mọi thông tin chị nhận được qua tin nhắn gần như là… thừa. Mặt khác, cảm giác bị theo dõi, “bẩm báo” thường xuyên cũng tạo cho học sinh cảm giác dè chừng, khó chịu và gây căng thẳng đối với gia đình có con thuộc dạng “cá biệt”.

Xuất hiện khoản thu không nhỏ

Tuy vậy, mỗi tháng chị Hải phải đóng 50.000 đồng cho hình thức liên lạc hiện đại này. Chị Hải tính nhẩm: “50.000đồng/thuê bao/tháng x 50 cháu một lớp thì mỗi tháng nhà trường sẽ thu về 2,5 triệu đồng. Với trường có trên dưới 30 lớp thì mỗi năm học họ thu được hàng trăm triệu đồng. Đây là cái giá quá đắt đối với phụ huynh chỉ để biết con mình hôm đó học môn gì, ăn món gì, đặc biệt là với những gia đình khó khăn. Dù được gọi là khoản thu tự nguyện nhưng có phụ huynh tuy không đồng ý nhưng vẫn phải nộp tiền chỉ vì không muốn con mình bị “phân biệt đối xử”. Đó là chưa kể tới khoản thu không nhỏ như vậy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng cho sổ liên lạc điện tử các trường có đầu tư bảo mật đúng mức hay không? Đây cũng là một câu hỏi lớn.

Đối lập với quan điểm của chị Hồng Hải,  có phụ huynh lại cho rằng SLLĐT giúp nhà trường liên hệ với gia đình nhanh và liên tục hơn, nhờ vậy gia đình có thể nắm bắt tình hình và giáo dục con tốt hơn, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cả hai bên. Anh Lê Văn Đình, ở khu đô thị mới Mỹ Đình, huyện Từ Liêm chia sẻ, từ khi trường học của con anh áp dụng SLLĐT, hàng ngày anh không phải gọi điện cho cô giáo để hỏi về tình hình học tập và sinh hoạt của con tại trường nữa. Ngoài ra, khi nhà trường có những thông báo đột xuất thì gia đình cũng nắm được thông tin kịp thời. Song theo anh Đình, các trường cần cân nhắc, điều chỉnh lại mức phí thu sổ liên lạc điện tử hàng tháng cho thống nhất bởi hiện có trường thu 50.000 đồng/ tháng, trường lại thu 20.000 đồng/tháng nhưng có trường chỉ thu 50.000 đồng/năm, thậm chí là miễn phí cho phụ huynh học sinh. 

Không thay thế được vai trò của cha mẹ

Cô Nguyễn Phương Thanh - giáo viên Tiểu học thuộc quận Ba Đình cho biết, hiện vẫn có sổ liên lạc truyền thống nhằm thông báo tình hình học tập của học sinh cho phụ huynh. Nhưng hiện nay, phụ huynh có nhu cầu thông tin về con mình thường xuyên hơn, trong khi chỉ những trường hợp nào cá biệt, nhà trường mới mời phụ huynh đến gặp gỡ, trao đổi. Do việc gọi điện thoại nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc dạy và học nên hình thức SLLĐT là phù hợp và nhanh chóng. 

Tiến sỹ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và phát triển cho rằng, dù có tiện ích tới đâu, SLLĐT cũng không thể  thay thế được hoàn toàn vai trò của bố mẹ, thầy cô trong việc quản lý và giáo dục trẻ. Việc các bậc phụ huynh thường xuyên được cập nhật thông tin về con mình qua SLLĐT cũng gây ra áp lực cho cả cha mẹ và học sinh. Ở một góc độ nào đó, SLLĐT phù hợp hơn với các gia đình có con học khá giỏi nhưng chưa hẳn đã có tác dụng tích cực với những gia đình có con học yếu kém. Việc lúc nào cũng có cảm giác bị theo dõi, bị “tố” tội sẽ tạo cho trẻ tâm lý ngày càng lì lợm, bất cần. Do đó, trước khi áp dụng SLLĐT, các trường cần quan tâm, chú ý đến tâm lý, thái độ của học sinh. Việc sử dụng SLLĐT cũng nên có liều lượng vừa phải và tùy đối tượng. Bên cạnh đó, SLLĐT dù giao tiếp rất nhanh, dễ dàng nhưng nếu ỷ lại vào hình thức liên lạc này, cha mẹ sẽ có ít cơ hội được gặp trực tiếp thầy cô, ít cơ hội được trao đổi thông tin với phụ huynh khác nên không có cơ hội nắm bắt đầy đủ sự phát triển tâm sinh lý, các mối quan hệ ở trường của trẻ. 

Quản lý học sinh bằng SLLĐT là điều cần thiết, nhưng vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Do đó, các phụ huynh thay vì đặt niềm tin hoàn toàn vào một hình thức quản lý hiện đại nào đó thì hãy thực hiện tốt nhất vai trò, trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, để SLLĐT thật sự có hiệu quả, các trường cũng nên cân nhắc, áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý giáo dục một cách phù hợp, tránh tình trạng đặt lợi nhuận lên hàng đầu.