“Mất một ly, một lai lãnh thổ là có tội với tiền nhân”

ANTĐ - L.T.S: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định như vậy trong Lễ kỷ niệm 1975 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2015, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội). Bài phát biểu của Chủ tịch nước để lại những ấn tượng sâu đậm trong đồng bào, nhân dân cả nước. Báo ANTĐ trân trọng trích giới thiệu nội dung bài phát biểu của Chủ tịch nước.

“Mất một ly, một lai lãnh thổ là có tội với tiền nhân” ảnh 1Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Đền thờ Hai Bà Trưng

Hai Bà Trưng, những người con gái Lạc tướng đất Mê Linh và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà (năm 40-43 sau Công nguyên) đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, in đậm trong tâm tư, tình cảm mỗi người dân Việt Nam như một huyền thoại. Theo truyền thuyết trong dân gian và thần tích tại đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh, Hát Môn và một số di tích thờ Hai Bà trên cả nước, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị được nuôi dạy trong tinh thần yêu nước, được dạy binh thư võ nghệ, rất can đảm, dũng lược. Lớn lên, Trưng Trắc kết duyên cùng Thi Sách - con trai Lạc tướng huyện Chu Diên.

Thời kỳ đó, đất nước ta bị nhà Hán đô hộ. Với chính sách thống trị vô cùng tàn bạo và các chế độ cống nạp hà khắc của nhà Hán, nhân dân ta phải sống lầm than, khổ cực, sục sôi ý chí nổi dậy chống lại sự thống trị tàn bạo của chính quyền phong kiến phương Bắc. Thái thú Tô Định, biết được ý định chuẩn bị khởi nghĩa của Thi Sách và Trưng Trắc, đã lập mưu kế hãm hại Thi Sách nhằm lung lạc ý chí của Bà Trưng Trắc và tinh thần đấu tranh của nhân dân ta. Song hành động tàn bạo của Tô Định không làm cho Bà Trưng Trắc sờn lòng, trái lại, càng làm cho Bà thêm quyết tâm khởi nghĩa “Đền nợ nước, trả thù nhà”.

Năm 40 (sau Công nguyên), Hai Bà Trưng đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong ngày xuất quân, “cờ xí dậy đất, chiêng trống vang trời, tướng nam lẫm liệt, tướng nữ lạnh lùng”, nghĩa quân khí thế sục sôi với lời thề: “Một xin rửa sạch nước thù. Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng. Ba kẻo oan ức lòng chồng. Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.

Cuộc khởi nghĩa được nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, tạo thành sức mạnh như vũ bão. Nghĩa quân của Hai Bà Trưng đi đến đâu chính quyền và quân đội nhà Hán tan vỡ đến đó. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại 65 huyện, thành, là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó; Tô Định phải bỏ chạy về nước, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, đất nước được giải phóng, Bà Trưng Trắc được tướng sỹ và nhân dân suy tôn lên ngôi Vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô tại Mê Linh.“… Đô kỳ đóng cõi Mê Linh, Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”.

Sau khi Hai Bà mất, tưởng nhớ công ơn của các liệt nữ anh hùng, nhân dân nhiều địa phương nước ta đã lập đền thờ Hai Bà và các Tướng của Hai Bà.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tuy chỉ đưa lại nền độc lập cho đất nước trong gần 3 năm, nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, còn lưu mãi sử xanh. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị của ngoại bang của nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta. Quân xâm lược có thể đánh bại chính quyền của Hai Bà Trưng, nhưng tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc ta thì không bao giờ bị dập tắt. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là trang sử vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Dân tộc ta đời đời ghi nhớ công ơn và mãi mãi tự hào về hai vị liệt nữ anh hùng.

Hai Bà Trưng là những nữ anh hùng dân tộc đầu tiên mở đầu cho truyền thống bất khuất, kiên cường của phụ nữ Việt Nam, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Trong gần 2000 năm qua, phụ nữ Việt Nam đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của Hai Bà Trưng, có những cống hiến to lớn rất đáng tự hào về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước mà những tấm gương tiêu biểu được nhân dân ta muôn đời lưu danh, khắc ghi công ơn như Bà Triệu, Nguyên Phi Ỷ Lan, công chúa Huyền Trân, nữ tướng Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, các mẹ Việt Nam anh hùng, các nữ anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì nước. 

Việc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 1975 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng là để chúng ta ôn lại một trang lịch sử oanh liệt, hào hùng, truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân đối với Hai Bà Trưng, các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh để Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp và cuộc sống hạnh phúc hôm nay. 1975 năm trước, hai nữ anh hùng Trưng Trắc, Trưng Nhị đã khởi nghĩa, đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc, giữ yên bờ cõi, giành độc lập cho dân tộc. Ngày nay, tiếp bước truyền thống yêu nước và ý chí chống giặc kiên cường đó, chúng ta, những con người của thời đại hôm nay, quyết tâm xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc giang sơn gấm vóc Việt Nam. Việt Nam có chính nghĩa, có sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, có sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và với biết bao kinh nghiệm máu xương; nhất định chúng ta sẽ xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu, không để mất “một thước núi, một tấc sông” của ông cha ta để lại, vươn lên sánh vai cùng bạn bè năm châu. Mất một ly, một lai lãnh thổ là có tội với tiền nhân; để nước ta mất độc lập, tự chủ cũng là không xứng đáng với sự hy sinh to lớn của Hai Bà Trưng.

Với tinh thần đó, tôi xin chúc các vị đại biểu, đồng bào, đồng chí năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thắng lợi mới; chúc các bà, các mẹ và toàn thể chị em phụ nữ trên mọi miền đất nước và kiều bào ta ở nước ngoài đạt được những điều tốt đẹp nhất nhân Ngày Phụ nữ Quốc tế 8-3 sắp tới.

Tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đời đời bất diệt.

Hai Bà Trưng mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn cổ vũ dân tộc ta luôn vững bước tiến lên.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Truyền cảm hứng yêu nước cho thế hệ trẻ

Những lễ hội kỷ niệm như: Chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa năm 1789 hay Lễ hội tưởng nhớ Hai Bà Trưng… chính là nơi truyền cảm hứng về lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hơn bất kỳ cuốn sách giáo khoa lịch sử nào. Tất nhiên, ở thời buổi bây giờ, chúng ta phải làm thế nào cho khéo, không thể để các hoạt động dịch vụ làm loãng, làm tạp tâm thức dân gian và lòng tự tôn dân tộc. Đến hội không chỉ là giải trí mà còn được sống lại hào khí Tây Sơn thuở nào, trong mùa xuân ấy, dân tộc ta đã làm một cuộc tấn công thần tốc, quét sạch quân xâm lược ngay trước cửa ngõ Thăng Long. Quý hóa làm sao đầu xuân năm mới, cả dân tộc nghiêng mình tưởng nhớ chiến công của hai nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị từ gần 2.000 năm trước. Quê tôi cách Hà Nội gần trăm cây số, cũng đang thờ hai ông tướng xưa là tướng trong đội quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Thế mới biết, nơi thờ Hai Bà đâu chỉ có ở Mê Linh hay Hát Giang mà quy mô trên toàn quốc. Có thể nói, Hai Bà Trưng là những vị vua nữ đầu tiên trong lịch sử thế giới, người phụ nữ đầu tiên đứng lên chiêu mộ binh sĩ đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, xây dựng chủ quyền quốc gia.

Lễ hội văn hóa ngày đầu xuân là truyền thống đáng quý. Duy chỉ có điều cần phải hướng dẫn cụ thể, nên chăng các nhà quản lý cần xây dựng một cuốn cẩm nang hướng dẫn, để người đi hội hiểu hơn nữa về lịch sử lễ hội mà mình đang tham dự. Thế nào là thật, thế nào là biến thiên và bịa đặt thêm bớt. Đất nước chúng ta có vị trí địa lý quan trọng, đó là bàn đạp để tiến xuống phía Nam. Vì thế bao đời nay, chúng ta phải đối mặt với toàn kẻ thù bạo ngược, tàn độc và hung hãn. Để đè bẹp Đại Việt, phong kiến phương Bắc chẳng từ một thủ đoạn nào. Mọi cuộc chiến xâm lược đều là tận diệt. Thế nhưng, hãy nhìn vào lịch sử mà xem, dân tộc chúng ta đã chiến đấu thật anh hùng và quả cảm, đánh những trận “sạch không kình ngạc”, nhưng rồi chúng ta vẫn luôn là dân tộc yêu chuộng hòa bình, khát vọng hòa bình luôn đẫm đầy huyết quản của những con dân đất Việt. Rời binh đao là ca hát, thơ văn, chẳng có dân tộc nào mà lễ hội hát hò lại nhiều như ở ta cả. Những trò chơi cũng vui vẻ, nhẹ nhàng nào hát đối đáp, chèo thuyền, thi thổi cơm, đánh đu, bịt mắt bắt dê…

Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 43 sau Công nguyên, chính sử rành rành, không phải là huyền thoại. Có dân tộc nào vĩ đại như thế không? Chúng ta yêu hòa bình, nhưng nếu giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh. Chúng ta phải bảo vệ độc lập chủ quyền đến cùng. Vì, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo cha ông để lại, là bài học muôn đời sau phải nhớ.

Nhà biên kịch Lê Quý Hiền: Đậm ý chí và tâm hồn Việt

Bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Lễ kỷ niệm 1975 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng thể hiện ý chí và tâm hồn Việt, chạy dài từ khởi nghĩa Hai Bà đến bản Tuyên độc lập (Nam quốc sơn hà) của Lý Thường Kiệt, từ ý chí dân tộc tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, giành lại độc lập cho Đại Việt của Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo”, đến bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo thành một dòng chảy không bao giờ thay đổi và hình thành nên nhân cách Việt. Đó là một dân tộc yêu chuộng hòa bình và khát khao giữ hòa khí với tất cả các dân tộc trên thế giới. Nhưng dân tộc ấy quyết không để mất một ly, một lai lãnh thổ, quyết không đánh mất độc lập, tự chủ. Dân tộc ấy sẵn sàng đứng lên đánh bại mọi kẻ thù có sức mạnh lớn gấp vạn lần, chỉ mong giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ. 

Bài phát biểu của Chủ tịch nước được vang lên trong Lễ kỷ niệm 1975 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng càng trở nên ý nghĩa hơn, để mỗi người dân Việt Nam không bao giờ quên hào khí dân tộc, để mỗi người con Việt sống tốt hơn, sống có trách nhiệm với quá khứ và tương lai của đất nước.

Ông Nguyễn Huy Canh (Làng Hạ Lôi, huyện Mê Linh, TP Hà Nội): “Thấy và hiểu rõ trách nhiệm mình trong đó” 

Những người con của làng Hạ Lôi - quê hương Hai Bà Trưng, khi nghe bài phát biểu của Chủ tịch nước, đều thấy hết sức xúc động khi Chủ tịch nước nhắc nhớ về thân thế, sự nghiệp, công lao đức độ của Hai Bà. Từ xưa đến nay, chúng ta chưa chịu khuất phục trước bất kỳ kẻ thù xâm lược nào, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Từ biểu tượng kiên cường đấu tranh giữ nước và dựng nước của Hai Bà Trưng, trách nhiệm của mỗi người con dân đất Việt ngày nay như Chủ tịch nước đã khẳng định rõ là: Không để mất “một thước núi, một tấc sông” của ông cha ta để lại,  không để cho kẻ thù xâm lấn dù chỉ “một ly, một lai lãnh thổ”. Tôi nghĩ rằng cá nhân mình phải thấy và hiểu rõ phần trách nhiệm ấy, cùng giáo dục con cháu mình, thế hệ sau này phải ghi lòng, tạc dạ lời dặn giữ gìn và bảo vệ non sông gấm vóc Tổ quốc mình.

Nguyễn Vân Anh (Hướng dẫn viên Ban Di tích đền thờ Hai Bà Trưng tại Mê Linh): “Tự hào là người con đất Mê Linh”

Là một người con đất Mê Linh, tôi rất tự hào vì nơi đây đã sinh ra hai nữ kiệt anh hùng hiếm có trong lịch sử dân tộc có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Hán, xây dựng cơ đồ Đại Việt từ thuở sơ khai. Thời còn đi học, tôi đã rất thích môn Lịch sử. Và giờ đây, tôi đang có cơ hội cống hiến sức lực nhỏ bé của mình cho quê hương, giới thiệu về lịch sử của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng cho tất cả bạn bè khắp nơi trên thế giới khi về đây tham quan, chiêm ngưỡng.