Loạn “trò đùa câu like” trên Facebook (2):

Mất lòng tin vì mạng xã hội

ANTĐ - Mạng xã hội ngày càng phát triển rộng khắp, trở thành một kênh truyền thông hiệu quả, nhưng có nhiều kẻ lợi dụng nó để tung tin đồn câu like làm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, tâm lý cũng như cuộc sống người dân.
Cuối năm 2012, tin đồn về đỉa xuất hiện trong các sản phẩm thực phẩm như sữa, bim bim, đỉa trong bánh kẹo, dưa vàng nhập lậu từ Trung Quốc…liên tục xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Nếu gõ từ khóa "sữa có đỉa", trang Google sẽ cho ra hơn chục triệu kết quả. Những tin đồn này đã làm ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp.
Không biết bắt nguồn từ đâu, tin đồn này lan nhanh trên mạng xã hội Facebook. Một thành viên chia sẻ: "Trung Quốc đang thu mua đỉa của Việt Nam với giá 1 triệu đồng/kg với mục đích, sản sinh ra trứng cấy vào thức ăn. Khi trứng nở ra đỉa sẽ cắn, phá hủy nội tạng người mà không một thuốc nào có thể chữa được..." tiếp đó là thông tin: "Một nữ bệnh nhân nữ ở Tuyên quang bị đau bụng và được đưa đi bệnh viện đa khoa và được các bác sĩ ở đây chụp chiếu thì phát hiện có rất nhiều sinh vật lạ và đã tiến hành phẫu thuật và phát hiện bụng bệnh nhân toàn là đỉa"... 
Không chỉ có các tin đồn trên, cộng đồng mạng còn lan truyền thông tin với nội dung tương tự: một gia đình ở Đông Anh (Hà Nội) phát hiện trong hộp sữa mở nắp đã lâu của gia đình có những sinh vật lúc nhúc màu trắng mà họ nghi là đỉa, hay người dân một xã ở Thừa Thiên – Huế khi ngâm miếng bim bim vào chậu nước, hôm sau phát hiện những sinh vật lạ giống đỉa.
Trước những tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã phải lên tiếng bằng văn bản bác tin đồn có đỉa và vật lạ trong sữa và bim bim. Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng phát đi thông điệp cho rằng đây là tin đồn thất thiệt nhằm phá hoại kinh tế và gây mất ổn định xã hội. Hiệp hội Sữa cũng khẳng định, với quy trình sản xuất sữa nghiêm ngặt hiện nay, không thể có trường hợp đỉa phát triển và tồn tại trong sữa. Đồng thời cảnh báo, nếu tin đồn thất thiệt sữa có đỉa không được ngăn chặn kịp thời, các doanh nghiệp sẽ không thể bán được sản phẩm, hệ quả là người nông dân chăn nuôi bò sữa cũng không thể bán được sữa cho các doanh nghiệp chế biến.
Ngoài những thông tin trên, khoảng đầu năm 2013, trên mạng Facebook, người ta cũng thi nhau chia sẻ thông tin “máy ATM có thể bắt trộm”. Nội dung chính của thông tin này là: "Nếu gặp một tên cướp ép bạn vào máy ATM bắt rút tiền, bạn không nên phản kháng vì bạn không biết được hắn có thể làm gì với bạn. Hãy nhập mã số PIN củabạn theo chiều ngược lại. Ví dụ: nếu mã số của bạn là 1234 thì bạn hãy ấn 4321. Khi bạn ấn ngược mã số, số tiền trên vẫn sẽ chạy ra, nhưng khi ra được một nửa thì sẽ dừng lại, đồng thời sẽ gửi thông báo đến cho công an. Mỗi máy ATM đều có chương trình này, nó được tạo ra nhằm ngăn chặn nguy hiểm cho bạn và giúp bạn thông báo cho công an".
Cũng chưa kiểm chứng được độ chính xác của thông tin, nhưng dưới những dòng chia sẻ này, nhiều người đã coi đây “quả thực là một thông tin hữu hiệu” đồng thời không quên “cảm ơn” người đã chia sẻ thông tin này và tiếp tục chia sẻ lan rộng ra thêm cho những người khác. Tuy nhiên, thực chất thông tin này cũng là một trò đùa!
Khoảng vài tháng trước, mạng các trang mạng xã hội cũng tràn ngập thông tin về việc cảnh báo các chiêu lừa mới. Nội dung chính của thông tin này là cảnh báo nữ sinh khi có đứa trẻ nào hỏi đường thì không được đưa đi tìm đường, vì có thể sẽ bị đưa đến một địa điểm để hiếp dâm, hoặc cảnh báo người dân khi được ai nhờ cầm hộ chai nước,hay một vật gì đó thì không được cầm vì có thể trong đó có ma túy...
Mất lòng tin vì mạng xã hội ảnh 1
Tin đồn máy ATM có thể  bắt trộm.... được lan truyền chóng mặt
Theo chị Lê Thị Mai (giáo viên ở Hà Đông), những tin đồn như vụ sữa có đỉa, bim bim có giòi ảnh hưởng lớn không chỉ đến đời sống người dân mà còn đến kinh tế. Mặt khác, trẻ nhỏ hiện tiếp xúc với mạng xã hội rất sớm, mạng xã hội ảnh hưởng lớn đến tư duy của trẻ, tuy chưa biết những thông tin kia đúng bao nhiêu phần trăm, nhưng nó làm trẻ hoài nghi về cuộc sống, hoài nghi về tình người, sống vô tâm hơn, không biết giúp đỡ người khác...
Cũng theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, mạng xã hội ngày nay có sức lan tỏa quá lớn vì qua đó người ta dễ thể hiện mình hơn, nhận được sự chia sẻ của nhiều người hơn, tuy nhiên chính vì thế nó lại mang đến nhiều tiêu cực. Ông Lâm nhận định, giao tiếp trên mạng xã hội là giao tiếp tự do, không có chuẩn mực. Người trẻ thì thường không hiểu được những thông tin mình đưa ra có thể ảnh hưởng đến dư luận xã hội thế nào. Vì thế, hệ lụy của việc tung tin đồn là làm cho mọi thứ trở thành "thật giả lẫn lộn", người trẻ mất lòng tin ở nhau và ở xã hội. 
Với tư cách là hiệu trưởng trường Đinh Tiên Hoàng, ông Lâm cũng cho biết thêm, ở trường ông, các em học sinh cũng mất rất nhiều thời gian vào mạng xã hội, cũng đã có nhiều cuộc hiểu lầm cãi vã nhau vì trêu đùa trên mạng xã hội. Vì thế nên thời gian gần đây, đội ngũ thày cô giáo ở trường cũng đã thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt trao đổi với các em học sinh về văn hóa giao tiếp trên mạng xã hội điển hình là Facebook, đồng thời qua đó có thể nắm được những bất thường trong các em học sinh để có thể can thiệp kịp thời.