“Mất ký ức” – Tuổi trẻ quẩn quanh

ANTĐ - Ngày 18-10, tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace diễn ra buổi tọa đàm “Nhiều cách sống của những tuổi trẻ bất thường”, nhân dịp tái bản cuốn sách “1981”, “Nhiều cách sống” và ra mắt tiểu thuyết “Mất ký ức” của nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang.

Nguyễn Quỳnh Trang được biết đến là một nhà văn trẻ thuộc thế hệ 8x, chị hiện là biên tập viên của báo “Thể thao & Văn hóa”. Bên cạnh công việc báo chí, sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết, chị còn sáng tác thơ.

Tọa đàm có sự tham gia của nhà văn Lê Minh Khuê, nhà thơ Nguyễn Chí Hoan, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và rất nhiều cây bút, nghệ sĩ tên tuổi trong giới văn học – nghệ thuật.

Tiểu thuyết “Mất ký ức” khoảng 300 trang, do công ty sách Phương Nam phối hợp với NXB Hội nhà văn phát hành vào đầu tháng 10/2012. Đây là một cuốn sách viết về giới trẻ, cụ thể là giới trẻ ở thành phố.

Nói về “Mất ký ức”, có khá nhiều ý kiến. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: “Giới trẻ hiện nay không nói đúng hay sai, mà họ nói hợp hay không hợp, nếu không hợp thì sẽ thay đổi. “Mất ký ức” thể hiện rõ điều này. Tuổi trẻ trong tác phẩm của Quỳnh Trang là tuổi trẻ hoang mang, quẩn quanh. Sự hoang mang ở đây chính là sự đi tìm hạnh phúc của thế hệ trẻ, họ sống rất đầy đủ về vật chất nhưng lại không biết hạnh phúc là gì”.

Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Mất kí ức”
trong buổi tọa đàm “Nhiều cách sống của những tuổi trẻ bất thường”

Đánh giá cuốn tiểu thuyết, nhà văn Lê Minh Khuê nói: Quỳnh Trang viết rất sắc sảo và cũng rất lạnh lẽo. Những truyện ngắn của Trang làm độc giả đọc xong thấy nản sống, bi quan. Còn với “Mất ký ức”, tác giả đã khiến người đọc nhận ra có một điều gì đó đáng trông mong đang ở phía trước; dù tuổi trẻ loay hoay, quẩn quanh nhưng vẫn thấy cuộc đời đáng quý, đáng sống. Cách viết của Quỳnh Trang là dựa trên ấn tượng về cuộc sống mà miêu tả được đời sống tinh thần, nội tâm – đó là cái tài của cây bút trẻ. Tuy nhiên, cứ mãi như thế thì nhàm, nên có sự kết hợp với lối viết truyền thống để tạo ra ấn tượng sâu đậm hơn.

Nhà thơ Nguyễn Chí Hoan lại cho rằng: Tiểu thuyết của Quỳnh Trang là câu chuyện của nội tâm. Thế hệ 8x đối diện với quá trình đô thị hóa đã nảy sinh nhiều xung đột. Người trẻ có cách nhìn cuộc sống rất khác với lớp người đi trước, nên khó có sự đồng cảm giữa các thế hệ. “Mất ký ức” như một phương thức để giới trẻ vượt qua hoang mang và biết họ là ai.

Buổi tọa đàm không chỉ bàn về nội dung, cách viết của cuốn tiểu thuyết “Mất ký ức” mà còn là dịp để nói về tâm tư, cách sống của giới trẻ qua cảm nhận của những thế hệ đi trước và của chính thế hệ trẻ. Những lời chia sẻ của nhà văn Dương Tường, nữ nhà văn trẻ Di Li, ca sĩ Giang Trang và nhiều bạn trẻ đã làm không khí buổi tọa đàm trở nên rất sôi nổi nhưng cũng thật chân tình, ấm áp.