Mất điểm tựa

(ANTĐ) - Thống kê không đầy đủ của ngành Tòa án cho thấy, trung bình mỗi năm có hơn 50.000 cặp vợ chồng dắt nhau ra tòa làm thủ tục ly hôn. Những năm gần đây, con số này lại nhích cao hơn. Tỷ lệ các vụ ly hôn ở thành phố luôn cao hơn nông thôn và tỷ lệ ly hôn thấp nhất thuộc về những vùng rừng núi xa xôi, heo hút miền Tây Bắc. Thế mới biết, cuộc sống hiện đại cho người ta tiếp cận với vô số văn minh của nhân loại nhưng cũng tiềm ẩn những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn.

Mất điểm tựa

(ANTĐ) - Thống kê không đầy đủ của ngành Tòa án cho thấy, trung bình mỗi năm có hơn 50.000 cặp vợ chồng dắt nhau ra tòa làm thủ tục ly hôn. Những năm gần đây, con số này lại nhích cao hơn. Tỷ lệ các vụ ly hôn ở thành phố luôn cao hơn nông thôn và tỷ lệ ly hôn thấp nhất thuộc về những vùng rừng núi xa xôi, heo hút miền Tây Bắc. Thế mới biết, cuộc sống hiện đại cho người ta tiếp cận với vô số văn minh của nhân loại nhưng cũng tiềm ẩn những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn.

Còn theo thống kê sơ bộ của ngành Công an thì 14% vụ án mạng liên quan đến bạo lực gia đình để rồi sự chia tay là điều khó tránh khỏi. Thói hung bạo, sự bất chấp, cơn giận giữ mù quáng, áp lực từ vô vàn những việc xoay quanh cuộc sống hiện tại... đã khiến cho những người trong gia đình không còn làm chủ được suy nghĩ và hành động của mình nữa. Họ sử dụng bạo lực như một cách để thỏa mãn cái tôi mà không cần biết rằng, những vết thương trong cái tổ ấm ấy ngày càng ngoác miệng, khoảng cách vợ - chồng ngày một xa dần cho đến một ngày, họ thấy cần phải giải thoát tất cả bằng một quyết định ly hôn, để khép lại những đau đớn của quá khứ và bắt đầu một cuộc sống mới.

Tôi có may mắn được đặt chân tới nhiều trại giam và điều đọng lại trong tôi sau những chuyến đi ấy chính là gương mặt thơ dại của các phạm nhân nhỏ tuổi. Những người trẻ với đôi mắt ngơ ngác và cái nhìn vô cảm càng khiến tôi xót xa hơn khi nghĩ đến chặng đường tiếp theo của các em. Bằng tuổi đó, các em phải được cắp sách tới trường, vui chơi hồn nhiên bên bạn bè, thầy cô. Song điều đó chẳng bao giờ đến với các em nữa. Hầu hết các em có một gia đình không trọn vẹn. Các em rất cần một hơi ấm, một điểm tựa trong những thời điểm khó khăn của đời mình. Nhưng không thể. Những thói hư tật xấu tiêm nhiễm, hủy hoại một cách từ từ và rồi, các em đã tự mình bước vào vũng lầy tội ác. Một lần và nhiều lần.

Thỉnh thoảng, bố hoặc mẹ có lên trại thăm nuôi, gửi vào cho các em một khoản tiền hoặc đồ dùng. Họ đến như một bổn phận, rồi lại ra về và cuốn vào những cuộc mưu sinh khác, những cuộc tình khác, những mối bận tâm khác.

Đôi khi, tôi tự hỏi mình, nếu những người làm cha, làm mẹ không thể mang lại một cuộc sống tốt đẹp cho những đứa con mình dứt ruột đẻ ra thì họ sinh chúng ra đời làm gì, họ khổ và xã hội cũng phải gánh chịu nhiều hậu quả. Chẳng bao lâu nữa, bóng hoàng hôn sẽ ập xuống, họ sẽ sống ra sao trong những tháng ngày ảm đạm đó nếu thiếu vắng bàn tay chăm sóc của những đứa con, nụ cười trong sáng, hồn nhiên của những đứa cháu?

Nếu nghĩ đến điều đó, biết đâu những cuộc chia tay sẽ ít hơn?

Việt Hà