Mất cân đối còn lâu

ANTĐ - Mất cân đối cung-cầu được coi là “căn bệnh” mãn tính của nhiều ngành, lĩnh vực từ sắt thép, xi măng cho đến nguồn nhân lực. Mặc dù thị trường lao động năm 2013 được dự báo sẽ giảm nhẹ tình trạng mất cân đối cung-cầu so với năm 2012, song, theo nhận định của Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH, thị trường lao động vẫn tiếp tục khó khăn. Trong 3 tháng đầu năm, thị trường đang ấm dần lên ở phía Nam với nhu cầu việc làm khá lớn, nhưng số lượng người thất nghiệp và thiếu việc vẫn có xu hướng gia tăng.

Trong quý I, số lao động đăng ký thất nghiệp đã chững lại. Hà Nội có 4.221 người đăng ký, TP.HCM có 16.200 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. So với cùng kỳ năm 2012, số lao động đăng ký thất nghiệp ở Hà Nội giảm hẳn, không ghi nhận một công ty nào phá sản, sa thải hàng loạt lao động một lúc. Quyết định mới có hiệu lực từ 1-2013 cho phép người lao động được kéo dài thời hạn đăng ký thất nghiệp từ 7 ngày như trước đây lên 3 tháng, vì thế ngay sau khi mất việc, nhiều lao động không đi đăng ký thất nghiệp, trong thời gian đó, họ tranh thủ đi tìm việc làm mới. Trong quý I vừa qua, điều đáng ghi nhận là Hà Nội đã tạo việc làm mới cho 28.500 lao động, chiếm hơn 20% kế hoạch năm. Kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, nhưng thành phố đã đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm và quỹ xóa đói giảm nghèo để người dân tự tạo việc làm. Đây chỉ là một điểm sáng hiếm hoi trong “bức tranh” lao động, việc làm.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng qua, dù cả nước đã tạo được việc làm mới cho 183.600 người, nhưng tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc vẫn không có dấu hiệu giảm. Tỷ lệ thiếu việc là 3,58%, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 3,4%, nông thôn là 1,57%. Hiện có tới 1 triệu người không có việc làm. Nhiều ngành có lượng hàng tồn kho cao thì tất nhiên nhu cầu lao động giảm sút, thất nghiệp tăng cao. Gốc rễ của tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động ở nước ta đã kéo dài từ rất lâu cả về số lượng, trình độ, thể chất nguồn nhân lực. Một nghịch lý tồn tại dai dẳng là nhu cầu nhân lực thì có mà doanh nghiệp lại rất khó tuyển người, trong khi người lao động vẫn chật vật tìm việc. Lý giải căn nguyên của thực trạng bất hợp lý này, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, doanh nghiệp và người lao động chưa “gặp” được nhau. Người lao động thì hạn chế về chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ, công nghệ thông tin nên khó “gõ cửa” doanh nghiệp nước ngoài hoặc công ty trả lương cao. Về phía doanh nghiệp, họ thường tuyển lao động cao gấp 5-10 lần nhu cầu thực sự để lấp chỗ trống lao động “nhảy việc”, bỏ việc. Mặt khác, các sàn giao dịch việc làm phần lớn chỉ thu hút lao động phổ thông, còn người có trình độ thường tìm việc qua website hoặc trực tiếp gặp chủ lao động…

Đó chỉ là nguyên nhân khách quan, sâu xa của tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động nằm ở khâu đào tạo, tức là đầu ra của nguồn nhân lực. Cả giới chuyên gia và doanh nghiệp đã từng chỉ rõ tình trạng đào tạo theo kiểu “bấm nút”, bất chấp nhu cầu các ngành nghề cần gì, thiếu gì và thừa gì. Cứ đà này, mất cân đối cung-cầu còn lâu mới cân bằng được.