Nhân Ngày Dân số thế giới (11-7):

Mất cân bằng giới tính

(ANTĐ) - Cuối năm 200, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã đạt đến mức báo động về mất cân bằng giới tính khi sinh với tỷ lệ lên đến 117/100.

Trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình càng trầm trọng hơn khi mức chênh lệch giới tính đã là 127/100, cao nhất nhì thành phố.

 Trong 25 năm tới Việt Nam sẽ thừa 2,3-4,3 triệu nam giới
 Trong 25 năm tới Việt Nam sẽ thừa 2,3-4,3 triệu nam giới

Nỗ lực trong vô vọng
Chúng tôi về tìm hiểu thực tế công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tại Thường Tín trong bối cảnh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang trở thành vấn đề báo động. Chẳng hạn như tại xã Liêm Xuyên, 6 tháng đầu năm toàn xã có 38 trẻ được sinh ra thì có đến 24 trẻ nam, 14 trẻ nữ, trong đó có 5 trường hợp là con thứ 3 trở lên và điều đặc biệt là cả 5 trường hợp này đều là con trai. Có những gia đình chồng là đảng viên vẫn sinh đến con thứ 4, còn gia đình có vợ là giáo viên vẫn cố sinh thêm đứa thứ 3, 4 để hy vọng có con trai là điều không khó gặp.

Ngay tại xã điển hình về làm tốt công tác dân số trong huyện như Hồng Vân, việc vận động giảm sinh con thứ 3, không lựa chọn giới tính khi sinh nhiều khi cũng rơi vào bế tắc. Chị Nguyễn Thị Hồng, cán bộ chuyên trách dân số của xã kể, có gia đình khá giả đã sinh được 2 gái, 1 trai nhưng vẫn tìm mọi cách, tận dụng mọi hiểu biết từ sách vở, lời khuyên trong dân gian, siêu âm xét nghiệm… để đứa thứ 4 sắp được sinh ra là con trai.
Một số gia đình khác còn tỏ rõ thái độ bất hợp tác với cán bộ, cộng tác viên dân số. Khi biết họ mang thai lần thứ 3, thứ 4, thậm chí phá thai nhiều lần vì muốn sinh bằng được cậu con trai.

Công cuộc trường kỳ
Lý do rõ ràng nhất để giải thích cho tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn ăn sâu, bám rễ trong phần lớn người dân nông thôn. Bà Bùi Thị Bích Phượng, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ, huyện Thường Tín cho biết, vấn đề không phải là trình độ dân trí thấp mà bởi vì tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ vẫn quá nặng nề, khó thay đổi được.

Bà Phượng chia sẻ, khi tổ chức những đợt chiến dịch vận động tuyên truyền về dân số, không ít lãnh đạo chính quyền còn nói “dân số thì có cái gì mà suốt ngày tuyên truyền, vận động”. Chính quyền thờ ơ, thêm vào đó là chế tài xử phạt không có, ngành dân số không có thẩm quyền xử phạt với các cơ sở vi phạm pháp lệnh dân số, cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh, tất cả tạo thành một rào cản lớn ngăn cản nỗ lực của công tác dân số địa phương. Số trẻ là con thứ 3 trở lên được sinh ra vẫn tăng, chênh lệch giới tính càng trầm trọng, nhưng chưa có trường hợp vi phạm nào bị xử phạt.

 Kinh nghiệm cho thấy, để công tác DS-KHHGĐ đạt hiệu quả thực sự thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các ban, ngành đoàn thể. Chị Nguyễn Thị Hồng, cán bộ dân số xã Hồng Vân lý giải, bí quyết giúp xã đạt được thành tích cao về công tác dân số so với các xã khác trong huyện là vì mỗi đợt tuyên truyền, vận động về DS-KHHGĐ trên địa bàn, từ Chủ tịch xã đến các trưởng thôn đều rất hưởng ứng, tích cực tham gia.