Mất cân bằng giới tính nóng trở lại

ANTĐ - 5 tháng đầu năm nay, số sinh của thành phố giảm khá mạnh trong khi tỷ lệ sinh con thứ ba vẫn ở mức cao, đặc biệt chênh lệch giới tính khi sinh đang có xu hướng gia tăng trở lại. 

Mất cân bằng giới tính ở nước ta đang ở mức đáng báo động (ảnh minh họa)

114,4 bé trai mới có 100 bé gái

Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Nội đang diễn ra phức tạp. Ông Nguyễn Đình Lân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa (DS-KHHGĐ) Hà Nội cho biết, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội luôn cao hơn mức bình quân chung của cả nước, năm 2015 là năm mà Hà Nội khống chế được tỷ số giới tính xuống mức thấp nhất trong gần chục năm qua, đạt 114/100 nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức bình quân cả nước (112,7/100). 5 tháng đầu năm nay, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Thủ đô tăng trở lại, ở mức 114,4 trẻ trai/ 100 trẻ gái.

Tỷ số giới tính khi sinh gia tăng trong khi số sinh của thành phố đang có xu hướng giảm. Theo Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, 5 tháng đầu năm nay, số sinh (tổng số trẻ được sinh ra trên địa bàn) của thành phố là 37.715 trẻ, giảm 1.518 trẻ so với cùng kỳ năm 2015. Điều này cho thấy người dân Thủ đô đang có xu hướng sinh ít con hơn. Dù vậy, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên của thành phố vẫn ở mức khá cao, chiếm đến 7,53%. Rất nhiều trường hợp sinh con thứ ba trở lên vì mong muốn sinh được con trai, đây cũng là một nguyên nhân khiến cho mất cân bằng giới tính khi sinh của Hà Nội được dự báo có thể tiếp tục tăng cao hơn trong những tháng cuối năm nay.

Ông Nguyễn Đình Lân đánh giá, mất cân bằng giới tính khi sinh của Hà Nội hiện vẫn nằm trong mức báo động. Thành phố đã triển khai rất nhiều biện pháp để kiểm soát tình trạng này song hiệu quả đạt được còn hạn chế. “Muốn kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ vì đây là vấn đề liên quan đến văn hóa, nhận thức của mỗi người dân” - ông Nguyễn Đình Lân nói.

Khó cấm lựa chọn giới tính thai nhi

Giải pháp quan trọng nhất để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh là thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định pháp luật về siêu âm lựa chọn giới tính thai nhi. Tại Hà Nội, số đoàn kiểm tra hàng năm rất nhiều nhưng số cơ sở bị phát hiện có vi phạm và xử lý quá ít, dù ai cũng biết vi phạm trong lĩnh vực này là phổ biến. Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội thừa nhận, đúng là có thực trạng hầu hết các bà mẹ hiện nay đều biết giới tính của con mình trước khi sinh nhưng để phát hiện được cơ sở vi phạm về chẩn đoán giới tính khi sinh lại không đơn giản.

 “Bà mẹ, ông bố nào cũng muốn biết con mình là trai hay gái ngay từ lúc mang thai. Do đó, họ sẽ tìm mọi cách để đạt được mục đích và để xử lý họ rất khó. Với các cơ sở y tế có hành vi chẩn đoán giới tính thai nhi cũng vậy, rất khó để phát hiện được vi phạm của họ, bởi không bác sĩ nào nói thẳng rằng thai nhi là trai hay gái hoặc thể hiện trên giấy tờ, trên kết quả siêu âm mà có thể là trao đổi riêng, dùng những ký hiệu, ám hiệu chỉ người nhà sản phụ hiểu được. Trong khi muốn xử lý được đòi hỏi phải có bằng chứng, chứng cứ, biên lai… rõ ràng” - ông Tạ Quang Huy phân tích.

 “Năm 2015 chúng tôi xử lý được 2 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp phòng khám tư ở quận Hà Đông bị phạt 40 triệu đồng và đình chỉ hoạt động vì hướng dẫn lấy máu thai phụ để chẩn đoán giới tính thai nhi. Mới đây, chúng tôi cũng đã xử phạt Bệnh viện Hồng Ngọc 3 triệu đồng vì hành vi quảng cáo lựa chọn giới tính thai nhi trên website” - ông Tạ Quang Huy cho biết.

Cũng theo ông Tạ Quang Huy, Hà Nội đã phân cấp cho các quận/ huyện/ thị xã trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất, thường xuyên với các cơ sở y tế, phòng khám cung cấp dịch vụ siêu âm thai nhi, xét nghiệm giới tính. Dự kiến trong tháng 8-9 tới đây, Hà Nội sẽ triển khai đợt cao điểm về thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này.

Phát động giải báo chí viết về công tác dân số Thủ đô

Ngày 17-6, Hội Nhà báo Hà Nội phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã phát động cuộc thi các tác phẩm báo chí tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn Thủ đô. Các tác phẩm báo chí được xét thưởng cần được đăng tải trong thời gian từ 1-1-2016 đến 30-10-2016.