Mất cảm giác thèm ăn, tại sao?

ANTD.VN - Nếu bạn bỗng dưng không có cảm giác thèm ăn thì đó có thể là một nguyên nhân đáng lo ngại. 

Cơ thể con người cần nguồn năng lượng thông qua chất dinh dưỡng trong thực phẩm chúng ta ăn. Nếu bạn không cảm thấy đói, điều đó có nghĩa là cơ chế ngon miệng không hoạt động tốt. Bỗng nhiên, một buổi sáng thức dậy, mặc dù bụng trống rỗng, nhưng bạn lại không muốn ăn và cảm giác này kéo dài suốt cả ngày. Đôi khi, không cảm thấy đói là do ăn quá nhiều. Nhưng đôi khi, chán ăn còn là một triệu chứng của nhiều bệnh lý.

Hội chứng ruột kích thích

Một lý do làm mất cảm giác thèm ăn có thể là hội chứng ruột kích thích. Nếu bạn cảm thấy đau ở bụng hoặc bị các vấn đề về đường ruột, bạn sẽ không muốn ăn gì. Chướng bụng và đầy hơi cũng ảnh hưởng đến sự thèm ăn. Vì vậy, bạn nên tránh xa chất kích thích và tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Vấn đề về gan

Mất cảm giác ngon miệng trong nhiều ngày cùng với các triệu chứng khác như mệt mỏi, buồn nôn và tiêu chảy cũng có thể là triệu chứng của các vấn đề về gan. Hãy đến các cơ sở y tế kiểm tra để loại trừ khả năng bị suy gan.

Nhiễm nấm

Nhiễm nấm miệng có thể “giết chết” cảm giác thèm ăn bất cứ thứ gì. Khi bạn bị nhiễm trùng nấm miệng, bạn không thể ăn hoặc cảm nhận hương vị thức ăn và điều này khiến bạn mất cảm giác thèm ăn. 

Thiếu vitamin và khoáng chất

Thiếu vitamin và khoáng chất cũng có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn. Thiếu sắt hoặc vitamin B12 có thể gây ra các triệu chứng như chán ăn, mệt mỏi, táo bón, chảy máu nướu. 

Lo lắng, trầm cảm

Nếu bạn đang lo lắng về điều gì đó, nó có thể “giết chết” sự thèm ăn. Thư giãn hoặc cải thiện tâm trạng của bạn thông qua tập thể dục có thể làm giảm lo lắng và lấy lại cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, khi bạn cảm thấy chán nản, stress cũng làm mất cảm giác thèm ăn với bất cứ thứ gì.

Chứng biếng ăn

Chứng biếng ăn cũng có thể là một nguyên nhân làm mất cảm giác thèm ăn. Nếu giảm cân nhanh, chán ăn kèm theo cảm giác đau có thể bạn đang mắc chứng biếng ăn. 

Phản ứng phụ của thuốc

Nếu bạn đang dùng thuốc thì chán ăn có thể là phản ứng phụ của thuốc. Kháng sinh, morphine và hóa trị có thể làm thay đổi sự thèm ăn. Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị ung thư cũng ảnh hưởng đến vị giác của bạn và điều này có thể khiến bạn không muốn ăn bất cứ thứ gì. Khi khối u phát triển, chúng có thể cản trở việc ăn uống. Điều này thường xảy ra với bệnh ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư tuyến tụy và ung thư buồng trứng.

Bệnh tật

Bệnh Alzheimer và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và sự thèm ăn. Thậm chí suy tim cũng có thể làm mất cảm giác thèm ăn. Nếu bạn trên 65 tuổi và không muốn ăn bất cứ thứ gì thì hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh kịp thời.