Mạt bụi nhà gây ra các bệnh lý nguy hiểm cho con người

ANTD.VN - Khi bị hắt hơi, sổ mũi, hen suyễn, mẩn ngứa nổi mề đay, mọi người thường nghĩ do thời tiết, ăn uống. Tuy nhiên ít ai biết rằng tác nhân chính lại là mạt bụi nhà.

Mạt bụi nhà gây ra các bệnh lý nguy hiểm cho con người ảnh 1Con người dễ dàng hít phải phân con mạt nhà gây ra các phản ứng dị ứng

Một chiếc đệm có thể chứa 2 triệu con mạt nhà

Mạt bụi nhà là một loại vi sinh vật rất nhỏ bé, chỉ khoảng 0,3mm; sống ở các loại đồ đạc trong nhà, giường, gối, chăn, thảm trải nhà và ăn những mảnh vụn chất hữu cơ như thực phẩm mốc, vảy da, mảnh gàu da đầu... Phân và xác của chúng là tác nhân gây dị ứng cho con người. Một chiếc đệm có thể chứa đến 2 triệu con mạt nhà. Ngoài ra mạt nhà cũng hay gặp ở những nơi thiếu vệ sinh hoặc ở nơi sống tập thể, không giặt giũ thường xuyên chăn mền, drap trải giường.

Mạt bụi nhà có tên khoa học là Acarien (Pháp) hay House dust mite (Anh), thuộc lớp nhện, ngành chân khớp. Bọ có hình trứng, hơi dài, thân có lông, có 8 chân gồm nhiều đốt. Thời gian sống trung bình của bọ nhà là 3 tháng, điều kiện tối ưu để chúng phát triển là ở nhiệt độ 25 độ C, độ ẩm 80%. Trong mẫu bụi nhà người ta đã phát hiện được hơn 130 loài bọ thuộc 27 họ. Bọ nhà có khả năng gây mẫn cảm dị ứng được chia làm 2 loại: bọ bụi nhà và bọ bụi kho.

Người dị ứng với bọ bụi nhà có thể sống một thời gian dài mà không có biểu hiện lâm sàng, trong khi thử  nghiệm dị ứng da vẫn dương tính. Xác của các loại bụi nhà này bay vào mũi, miệng, bám vào da, tạo nên yếu tố kích thích, khơi mào cho các bệnh viêm dị ứng nếu kết hợp với các yếu tố thuận lợi khác như gene di truyền, tiếp xúc với dị nguyên vượt quá ngưỡng, tinh thần căng thẳng, khí hậu, mất cân bằng cơ chế điều hòa miễn dịch...

Mạt nhà chủ yếu gây ra dị ứng: Ở mắt (ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, châm chích trong mắt...). Ở mũi (ngứa mũi, chảy mũi, nghẹt mũi, hắt hơi hàng loạt...). Gây ra hen phế quản (khó thở khi thở ra, ho, rối loạn thở khi ngủ hoặc khi gắng sức, khò khè, thở rít...). Bệnh chàm (eczema), ban đỏ, mụn nước, mẩn ngứa ở má, nếp gấp, cùi chỏ... Mặt khác còn gây ra mề đay, vết thương do mạt cắn thường sưng đỏ, ngứa, nổi bóng nước.

Phòng chống bằng cách hạn chế sự phát triển 

Theo nghiên cứu một con mạt nhà có thể thải ra 20 hạt phân mỗi ngày. Phân của mạt nhà rất nhỏ và nhẹ, bay lơ lửng trong không khí, nên con người dễ dàng hít phải gây ra các phản ứng dị ứng. Dị ứng mạt bụi nhà có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Dị ứng nhẹ có thể gây chảy nước mắt nước mũi, hắt hơi, ngứa. Đối với những người có bệnh mạn tính như viêm mũi dị ứng, hen suyễn sẽ làm bệnh nặng thêm, gây khó thở, khò khè dai dẳng, xung huyết mũi, gây kích phát cơn hen...

Mạt nhà không bao giờ có thể tiêu diệt hết. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế sự phát triển của chúng bằng cách: Luôn vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, khô ráo. Phòng ngủ nên thiết kế thoáng khí, có ánh nắng mặt trời, tránh bụi bẩn. Thường xuyên vệ sinh giường ngủ, giặt chăn, chiếu, màn,... và phơi khô ngoài nắng. Các dụng cụ để lau chùi đồ vật nên dùng bằng khăn ẩm, miếng mút ẩm. Không nên dùng khăn bông, vải, tấm mút khô để lau sẽ không sạch bụi bẩn và mạt bụi nhà dễ phát tán lại trong không khí. Đồ đạc trong nhà nên kê gọn gàng, ngăn nắp, giảm bớt những đồ đạc dễ bám bụi, thường là nơi trú ẩn cho mạt bụi nhà như các đồ trang trí lặt vặt, thú nhồi bông, sách báo... trong buồng ngủ. Ngoài ra nên dọn các thảm ra khỏi phòng ngủ. Bọc gối, nệm bằng các túi nilon. Giặt chăn, màn hàng tuần với nước nóng.