Mất an toàn lao động ở Trung Quốc: Coi trọng lợi nhuận, xem nhẹ mạng người

ANTĐ - Con số tử vong do nổ kho hóa chất ở cảng Thiên Tân (Trung Quốc) vẫn tăng lên – 135 người, theo số liệu chiều 25-8. Trong khi đó, chuyên gia nhận định, vấn đề về an toàn lao động tại nước này chưa được quan tâm đầy đủ, doanh nghiệp chỉ chú trọng cắt giảm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận.

Mất an toàn lao động ở Trung Quốc: Coi trọng lợi nhuận, xem nhẹ mạng người ảnh 1Hố tử thần sau vụ nổ kho hóa chất tại cảng Thiên Thân vừa qua

Cẩu thả trong quy định và thực thi

Tổ chức Hòa bình xanh gọi vụ tai nạn xảy ra ở Thiên Tân là “phần nổi của tảng băng chìm và phần chìm chính là sự cẩu thả trong nhiều năm qua, liên quan tới chính sách và cách thức thực thi đối với hóa chất nguy hiểm của giới chức Trung Quốc”. Vụ nổ ở Thiên Tân làm dấy lên lo ngại về tình trạng tiếp vận, lưu trữ hóa chất tại các nhà máy của nước này. Năm 2014, gần 70.000 người đã tử vong do làm việc với hóa chất độc hại tại Trung Quốc. Một số hóa chất được sử dụng trong nhiều nhà máy đã khiến công nhân bị nhiễm độc và làm gia tăng số người có nguy cơ mắc ung thư cũng như vô sinh.

Trang mạng Telesurtv.net của Venezula đưa tin, tại Trung Quốc, một số quy định về an toàn lao động và quản lý hóa chất tuy tồn tại nhưng hiếm khi được tuân thủ nghiêm túc. Việc thiếu quy định hiệu quả kết hợp với sự buông lỏng quản lý đã gây ra nhiều vụ tai nạn tại nơi làm việc. Những công ty kiếm lợi nhuận từ lao động giá rẻ ở Trung Quốc thường thiết lập mạng lưới công ty mẹ - con và mối quan hệ nhà thầu phức tạp để dễ dàng trốn tránh trách nhiệm; thậm chí, còn hào phóng tặng quà cho quan chức quản lý để họ làm ngơ trước việc không tuân thủ đầy đủ quy định về sản xuất. Trang mạng Nationalpost.com của Canada dẫn lời Phó giáo sư về phòng chống cháy nổ công nghiệp thuộc Đại học Đông Bắc, thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc – ông Chung Thánh Tuấn cho biết: “theo văn hóa doanh nghiệp Trung Quốc, điều quan tâm nhất là cắt giảm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận mà không chú ý đầy đủ tới an toàn lao động”.

Hơn một thập kỷ qua, tình trạng an toàn nói chung tại Trung Quốc có cải thiện. Năm 2014, nước này ghi nhận 290.000 vụ tai nạn với 66.000 người tử vong, giảm so với 1 triệu vụ làm 140.000 người chết hồi năm 2002. Tuy nhiên, con số tích cực này không đề cập riêng tới tai nạn ở khu lao động công nghiệp mà bao quát cả tai nạn hầm mỏ, xe hơi, thậm chí là tai nạn máy bay. Vấn đề là chính quyền Bắc Kinh không công khai chi tiết số vụ tai nạn ở nơi làm việc cũng như tình trạng an toàn lao động có khá hơn hay không.

Một trong những loại tai nạn lao động chú ý ở Trung Quốc là tai nạn tại khu khai thác khoáng sản. Trong giai đoạn năm 2000, cùng với đà phát triển kinh tế như vũ bão, Trung Quốc cũng dẫn đầu thế giới về số ca thợ mỏ tử vong, có thời điểm con số thiệt mạng cao nhất là 6.000-7.000 người một năm. Nhờ sự siết chặt quản lý, số người chết vì tai nạn hầm mỏ tại nước này đã giảm xuống dưới 1.000 trường hợp vào năm ngoái.

Hàng loạt tai nạn lao động thương tâm

Một số sự cố tại các môi trường làm việc khác ở Trung Quốc cũng cho thấy tình trạng giám sát an toàn lao động còn lỏng lẻo. 

Tháng 6-2013, đám cháy tại một nhà máy gia cầm ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc khiến 121 người thiệt mạng. Điều tra viên phát hiện, cửa thoát nạn của nhà máy bị bịt kín, một hành vi vi phạm pháp luật Trung Quốc. Cuối năm này, một vụ nổ đường ống dẫn dầu ở thành phố Thanh Đảo đã giết chết 62 người, dư luận đặt ra câu hỏi vì sao khu dân cư được cho phép xây dựng gần những đường ống dẫn dầu đã quá cũ kỹ.

Trong khi đó, năm 2014, vụ nổ xảy ra ở một nhà máy sản xuất kim loại thuộc thành phố Côn Sơn làm 146 người chết. Cuộc điều tra của chính phủ kết luận, nguyên nhân tai nạn là do nổ bụi kim loại và nhà máy này đã vi phạm nguyên tắc an toàn lao động.

Mới đây nhất là vụ cháy nổ tại kho chứa hóa chất nguy hiểm của Công ty Tiếp vận Thụy Hải ở cảng Thiên Tân. Nguyên nhân sự việc vẫn đang được xác minh, nhưng chắc chắn trong đó có phần lỗi của con người, trang mạng Nationalpost.com đưa tin. Công ty Thụy Hải có được giấy phép xử lý vật liệu nguy hiểm mặc dù những hàng hóa này lưu trữ chỉ cách khu dân cư 500m. Đây là sự vi phạm rõ ràng luật pháp quốc gia vì khoảng cách an toàn giữa kho lưu giữ hóa chất độc hại với khu dân cư được quy định là 1.000m.

Tổ chức Hòa bình xanh cảnh báo, để tránh những tai nạn thảm khốc như vụ nổ ở cảng Thiên Tân, việc bắt buộc các công ty bảo đảm an toàn cho người lao động và bảo vệ môi trường cần được quy định trong luật pháp một cách chi tiết và quá trình thực hiện, giám sát phải nghiêm túc, hiệu quả.