Mạnh tay xử lý vi phạm tốc độ

ANTĐ - Vi phạm về tốc độ được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Từ nay đến hết tháng 9-2013, lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội sẽ tập trung xử lý mạnh tay những lỗi vi phạm liên quan đến hành vi này.

Mạnh tay xử lý vi phạm tốc độ ảnh 1
Vi phạm về tốc độ chiếm tới 20% trong gần 3 triệu trường hợp
bị xử phạt vi phạm giao thông 6 tháng đầu năm. Ảnh: PHÚ KHÁNH


Nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp

Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, 90% các vụ TNGT nghiêm trọng do chạy quá tốc độ, không xử lý được tình huống phát sinh. Ghi nhận trong nửa tháng qua cho thấy, trung bình, một xe khách vi phạm tốc độ 22,5 lần/ngày, với xe tải là 22 lần. Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, muốn kiểm soát tốt TNGT thì việc đầu tiên phải kiểm soát được tốc độ của các phương tiện tham gia giao thông. Bởi vậy, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tập trung tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm tốc độ đối với doanh nghiệp (DN) vận tải và người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Trong đó, các tỉnh, thành trên cả nước sẽ triển khai tổ chức lại giao thông như cắm biển thông báo tốc độ. “Chúng tôi sẽ làm mẫu trên tuyến QL5, cắm biển quy định tốc độ cả hai bên đường để lái xe có thể dễ dàng quan sát được. Sau đó, sẽ đánh giá và nhân rộng ra các tuyến QL khác”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay.

Ngoài ra, sẽ rà soát các biển báo ở khu dân cư, biển báo chưa hợp lý, cắm một cách cơ học, không phù hợp; phối hợp với Tổng cục đường bộ Việt Nam xử lý 10 “điểm đen” thường xuyên xảy ra TNGT; lắp đặt dải phân cách cứng trên các tuyến QL để tránh tai nạn đối đầu. Đặc biệt, sẽ tăng cường tuần lưu, dựng thêm chốt ở những đoạn đường cho phép chạy tốc độ cao. Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay: “Chúng tôi đang đưa vào sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ của DN. Nếu, trong một tháng, DN có 20% số xe vi phạm về tốc độ sẽ tạm rút GPKD vận tải 1 tháng…”.

Ngoài ra, quy định mới cũng sẽ tập trung siết kinh doanh vận tải, vá lỗ hổng trong lĩnh vực này, trọng tâm đi vào trách nhiệm của DN. Làm thế nào để lái xe chỉ chuyên tâm vào chuyên môn, không phải lo gánh nặng kinh doanh mà DN áp đặt, như vậy mới đảm bảo an toàn cho từng chuyến xe.

Tập trung vào mô tô chạy quá tốc độ

Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện, Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra xử lý TNGT - Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) cho hay, trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra trên 15.000 vụ TNGT, làm chết hơn 5.000 người. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 30 người mất mạng vì TNGT. “Mặc dù TNGT có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân do vượt tốc độ, đi sai làn đường chiếm quá nửa”. Trong gần 3 triệu trường hợp bị xử phạt vi phạm giao thông 6 tháng đầu năm, chiếm đến 20% lỗi về tốc độ. 

Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện phân tích, trong khi TNGT liên quan đến xe tải, xe khách chạy quá tốc độ vì yếu tố lợi nhuận thì hiện nay, đáng lo ngại là những vụ TNGT liên quan đến mô tô chiếm đến 70%. “Lái xe mô tô chạy quá tốc độ chủ yếu là do những thanh niên đua đòi, a dua bạn bè, thiếu ý thức gây ra. Vì vậy, trong chiến dịch xử lý vi phạm tốc độ, CSGT các địa phương nên tập trung vào đối tượng này”.

Theo Trung tá Phạm Văn Hậu, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt - Công an Hà Nội, trên địa bàn TP Hà Nội, 6 tháng qua dù TNGT giảm sâu trên cả 3 tiêu chí nhưng diễn biến vẫn rất phức tạp. “Năm nay, lần đầu tiên lực lượng CSGT xuống tận các quận, huyện để phối hợp với Công an cơ sở xử lý xe khách vi phạm, chốt chặn trên các tuyến đường liên thôn, liên xã. Từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ này sẽ tiếp tục được duy trì”. Tuy nhiên, Trung tá Phạm Văn Hậu nhìn nhận, muốn kiềm chế TNGT thì chỉ riêng lực lượng CSGT không thể làm được, cần sự vào cuộc của tất cả lực lượng liên quan. 

“Tình trạng lái xe uống rượu bia rồi tham gia giao thông, vi phạm tốc độ khi xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, CSGT các địa phương phải có kế hoạch, phương án chặt chẽ, tuần lưu xử phạt vừa tạo được tính răn đe, giáo dục nhưng cũng phải đảm bảo sự an toàn cho các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ”, Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện nhấn mạnh.