Mạnh tay xử lý hoạt động khai thác cát trái phép trên các dòng sông

ANTD.VN - Với nguồn cung không đủ cầu, giá vật liệu xây dựng (VLXD) trong đó chủ yếu là cát, đã khiến cho hoạt động khai thác loại khoáng sản quan trọng này một cách trái phép gia tăng, đối tượng khai thác cát ngày càng manh động với những thủ đoạn tinh vi…

Nhiều tàu "khủng" có công suất hút cát lớn của "cát tặc" bị lực lượng Công an Hà Nội kiểm tra, bắt giữ vào rạng sáng 26-5

Không chỉ riêng tại Hà Nội, mà tình trạng khai thác cát trái phép ở các tỉnh, thành phố cũng không nằm trong trường hợp ngoại lệ, thậm chí còn “nóng” hơn khi lợi nhuận từ hoạt động khai thác cát trái phép quá lớn!

 “Cát tặc” lộng hành

Rạng sáng 26-5, các lực lượng CATP Hà Nội do Phòng CSHS chủ trì, phối hợp cùng CSGT, Trung đoàn CSCĐ..., đã đồng loạt bao vây,  khống chế, bắt quả tang hàng chục đối tượng và tàu thuyền đang có hành vi khai thác cát trái phép trên dọc tuyến sông Hồng.

Theo kế hoạch, rạng sáng 26-5, hàng trăm CBCS thuộc nhiều lực lượng của CATP Hà Nội do Phòng CSHS chủ trì, sử dụng xuồng máy đặc chủng, đồng loạt ập tới 3 địa điểm trên sông Hồng tại các khu vực Thượng Cát, Liên Mạc và Đại Mạch, thuộc quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh.

Tại thời điểm kiểm tra, hàng chục đối tượng "cát tặc" và phương tiện đã không kịp trở tay, bị khống chế. Những phương tiện tàu, thuyền “khủng” được “cát tặc” huy động sử dụng khai thác cát trái phép cũng đã bị tạm giữ. Bước đầu cho thấy, liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép trong "phi vụ" này, lực lượng chức năng bắt giữ 33 đối tượng và thu giữ 13 chiếc tàu.

Ngoài địa bàn Hà Nội, trong những ngày gần đây, người dân sống tại một số xã như: Phú Xuân, Thọ Lập, Thọ Hải, Xuân Hòa, Xuân Trường… thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cũng không khỏi bức xúc khi nạn khai thác cát trái phép trên sông Chu chảy qua địa bàn có phần sôi động, lộng hành.

Nếu như trước đây, việc các đối tượng lén lút khai thác cát, nhưng giờ công khai cả ngày lẫn đêm. Mỗi ngày, tại con sông này có cả chục con tàu có công suất “khủng” sử dụng vòi hút lớn, chọc thẳng xuống lòng sông Chu hút cát như chẳng có ai quản lý.

Theo ông Nguyễn Văn Bình (xã Xuân Yên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), hoạt động của “cát tặc” trên sông Chu trong thời gian qua đã gây ra tình hình sạt lở đất nông nghiệp của các hộ dân phía 2 bên bờ sông. Những năm gần đây, tình hình sạt lở ngày càng mạnh, nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì tài sản, đất đai của nhiều gia đình sống hai bên bờ sông cũng sẽ bị cuốn theo”.

Có thể nói, với quy mô bề thế, hoạt động trái phép, công khai của “cát tặc” trên sông Chu, đoạn chảy qua địa bàn các xã kể trên thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, khiến người dân không khỏi lo lắng về vai trò của cơ quan chức năng quản lý nơi đây.

Trong một diễn biến khác, ngày 22-5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trần Văn Mức về hành vi "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" xảy ra ngày 1-3-2020, tại bãi tập kết của Công ty TNHH Thành Đạt, phường Phương Nam, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Trước đó, ngày 1-3-2020, tại khu vực Đá Bạc, phường Phương Nam, TP Uông Bí, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, phát hiện tàu xi măng không có số hiệu, tải trọng lớn trên 80 tấn do Trần Văn Mức và Đoàn Văn Quyết, cùng sinh năm 1986, đều thường trú tại khu 16 (phường Ngọc Châu, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) điều khiển, (trên tàu lắp đặt máy bơm, máng sàng, ống cao su có đầu gắn chõ sắt được sử dụng để khai thác cát) có hành vi bơm hút cát vào khoang tàu, đưa lên bãi tập kết của Công ty TNHH Thành Đạt ở gần đó.

Hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Chu (đoạn chảy qua các xã thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng 

Tại thời điểm kiểm tra, giám định, tổ công tác đã kiểm tra xác định trên tàu có 30,97m3 và tại bãi tập kết có 4.156m3 khoáng sản có hàm lượng SIO2 trên 80%. Quá trình kiểm tra, Trần Văn Mức và Đoàn Văn Quyết không xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc số cát trên...

Kiên quyết xử lý

Đại tá Trần Anh Tuấn - Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội nhận định, thời gian gần đây, trước sự siết chặt quản lý, cấp phép đối với các doanh nghiệp, đơn vị khai thác khoáng sản, trong đó có khoáng sản cát dẫn đến sự khan hiếm cát trong xây dựng. Do vậy, trước nguồn cung không đủ cầu đối với loại VLXD là cát, nên giá vật liệu này được đẩy lên cao. Thấy được lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép, nên “cát tặc” đã bất chấp quy định của pháp luật để vi phạm.

“Trên địa bàn Hà Nội, thời gian qua, hoạt động khai thác cát trái phép trên các tuyến sông đã giảm hẳn. Tuy nhiên, tình trạng một số đối tượng vẫn lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ, ngày lễ, trời mưa to để khai thác cát trái phép. Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng các loại phương tiện có công suất lớn để “đánh nhanh, rút gọn”. Mặc dù vậy, với sự bám sát địa bàn và xây dựng kế hoạch đấu tranh trấn áp mạnh đối với loại tội phạm này, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phối hợp với các đơn vị chức năng liên tục, thường xuyên tuần tra, kiểm soát bắt giữ các đối tượng khai thác cát trái phép và xử lý theo đúng quy định pháp luật”, Đại tá Trần Anh Tuấn thông tin.

Liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Chu chảy qua địa bàn các xã thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Ngọc Giang - Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Thọ Xuân cho biết: “Lãnh đạo huyện Thọ Xuân nắm rõ các “điểm nóng” về  hoạt động của "cát tặc". Trong đó, chủ yếu liên quan đến Công ty TNHH - DVTM Lâm Tuấn. Cách đây hơn 1 tháng, huyện cũng đã có công văn chỉ đạo riêng tới công ty này và yêu cầu chấm dứt hoạt động khai thác cát trái phép”(?!)

“Việc cấp phép mỏ cho Công ty TNHH - DVTM Lâm Tuấn có nhiều bất cập. Tức là,  bãi tập kết ở dưới thị trấn nhưng thân mỏ lại cách 3km. Trong quá trình tàu bè của công ty này trên đường di chuyển, chỉ cần không kiểm soát chặt là họ chui vào bãi khai thác trái phép.

Thời gian gần đây, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo lực lượng công an xử lý nghiêm hoạt động khai thác cát trái phép. Trong đó có Công ty Cường Mạnh, đã bị xử phạt lên đến 70 triệu đồng cho hành vi khai thác cát trái phép, gây sạt lở hai bên bờ sông”, ông Trịnh Ngọc Giang cho biết thêm.

Thiếu tá Lê Hải Châu - Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về kinh tế, CAH Thọ Xuân cho biết, theo thống kê, hiện địa bàn huyện Thọ Xuân  có 7 mỏ khoáng sản, 8 bãi tập kết, 1 dự án nạo vét kéo dài trên 2 xã, bãi tập kết tạm lại nằm trên 1 bãi khác, tức là nằm trên 3 xã. Một tháng trở lại đây, CAH Thọ Xuân cũng tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác cát trái phép, số tiền phạt các cá nhân và doanh nghiệp lên đến khoảng 200 triệu”.

“Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, nên vẫn chưa xử lý được triệt để các hành vi vi phạm. Những "điểm nóng" đó chủ yếu là do Công ty TNHH - DVTM Lâm Tuấn khai thác. Đơn vị đang tiến hành xác minh, có đủ tài liệu sẽ xử lý”, Thiếu tá Lê Hải Châu cho biết.

Ngày 3-6-2020, UBND huyện Thọ Xuân cũng đã có văn bản số 974 gửi Công ty TNHH-DVTM Lâm Tuấn; Công ty phát triển TM - TV Tân Phát và các xã Phú Xuân, Thọ Lập, Thọ Hải, Xuân Hoà, Xuân Trường, TT Thọ Xuân về việc chấn chỉnh, yêu cầu các công ty trên nghiêm túc chấp hành các quy định trong giấy phép, khai thác cát đúng giờ, trong phạm vi mốc giới và thực hiện theo cam kết đã ký; đồng thời yêu cầu UBND các xã có tên trên tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định trong hoạt động khai thác cát.

Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cũng yêu cầu phải xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm và báo cáo với UBND huyện những trường hợp vượt thẩm quyền để kịp thời xử lý. Ngoài ra, UBND huyện Thọ Xuân giao Phòng TN&MT tham mưu thành lập đoàn kiểm tra, đồng thời phối hợp với lực lượng liên quan tăng cường giám sát và xử lý các đơn vị vi phạm quy định trong quản lý tài nguyên khoáng sản, báo cáo UBND tỉnh đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép hoạt động nếu các doanh nghiệp cố tình không chấp hành các quy định trong hoạt động khai thác cát.