Mạnh tay với vi phạm đất đai

ANTĐ - Chiều qua, 22-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Những nội dung được đa số ĐBQH quan tâm vẫn là quy định về thu hồi đất và giá bồi thường đất. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo quyền lợi của người dân và làm giảm dần khiếu kiện đất đai.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đề xuất bổ sung quy định 
“phương án bồi thường nào có lợi cho dân nhất thì thực hiện”. Ảnh: Phú khánh

“Cột” trách nhiệm để hạn chế tiêu cực

Cho ý kiến vào dự luật, các ĐBQH vẫn chưa yên tâm với quy định về thu hồi đất. ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng, dùng cụm từ “thu hồi đất” là không thận trọng, nên cân nhắc kỹ hơn. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đánh giá, quy định thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội là hợp lý song cần quy định chặt để tránh lạm dụng, phục vụ lợi ích nhóm. ĐB Huỳnh Nghĩa nói: “Phải quy định chi tiết các dạng dự án thu hồi đất, tránh lãng phí tài nguyên đất”.

ĐB Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) cho biết, một số ĐBQH đề nghị không quy định thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng dự thảo vẫn giữ quy định này. ĐB Lê Trọng Sang cảnh báo: “Nếu cứ duy trì việc này, cơ chế hai giá đất vẫn còn và khiếu kiện đất đai sẽ tiếp diễn”. Dù vậy, ĐB Lê Trọng Sang cuối cùng vẫn đồng ý dự luật có quy định này. Song ĐB này kiến nghị, cần điều chỉnh thu hẹp đối tượng dự án kinh tế - xã hội được thu hồi đất để hạn chế tối đa nạn lạm dụng, gây thêm khiếu kiện. Lo thu hồi đất còn dàn trải, ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) hỏi: “Liệu có cần tất cả các dự án đều thu hồi đất theo cơ chế hành chính?”.

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) kiến nghị bổ sung quy định về trách nhiệm cá nhân lãnh đạo chính quyền địa phương khi thu hồi đất để khắc phục 4 sai phạm phổ biến hiện nay (sai quy hoạch, sai thẩm quyền, sai quy định, sai đối tượng) và xem đây như giải pháp tích cực để phòng chống tiêu cực tham nhũng, khiếu kiện tố cáo liên quan đất đai.

Có lợi cho dân nhất thì thực hiện

Cho rằng nguyên tắc bồi thường đất trong dự thảo chưa thỏa đáng, ĐB Nguyễn Bắc Việt đề xuất bổ sung quy định “phương án bồi thường nào có lợi cho dân nhất thì thực hiện”. Cùng với đó, các đoàn thể, tổ chức xã hội phải tham gia giám sát việc bồi thường. ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) phản ánh, quy định “giá đất sát thị trường” có từ Luật Đất đai 2003 nhưng thủ tục tìm ra giá này lại chưa rõ, tạo kẽ hở cho một số kẻ làm giàu nhanh chóng trong khi dân thiệt đơn, thiệt kép. Ông tỏ ra không yên tâm: “Dự luật đưa khái niệm “giá đất phổ biến trên thị trường” cũng chỉ là thay câu chữ, không tạo ra sự khác biệt. Cần quy định bắt buộc có tư vấn định giá đất khi xây dựng giá bồi thường, giúp hạn chế sự tùy tiện khi xác định giá đất”. Thêm vào đó, trình tự, thủ tục xác định giá đất cũng phải làm rõ, không để tái diễn tình trạng tiền đền bù không mua nổi suất đất tái định cư. 

Không nể nang khi thẩm tra dự luật

Sáng 22-11, Quốc hội đã thảo luận về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.

Cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy. Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng cháy và chữa cháy; chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy; phòng cháy đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhà cao tầng...