Mạnh tay với "kẻ giết đồng loại" bằng thực phẩm bẩn

ANTĐ - Chế tài xử phạt không đủ sức răn đe, còn nhiều bất cập khi áp dụng trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ngày càng gia tăng trầm trọng. 

Mạnh tay với "kẻ giết đồng loại" bằng thực phẩm bẩn ảnh 1

Ngay lúc này, nếu các cơ quan chức năng không kịp thời đưa ra những hình thức xử phạt nghiêm cho những “kẻ giết đồng loại” trong bóng tối thì phải chăng đó cũng là có lỗi với người dân. Chính vì vậy, những ngày gần đây, liên tục đã và sẽ có những văn bản pháp luật quy định rõ ràng, nghiêm khắc hơn đối với hành vi này. 

Mới đây nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng kế hoạch sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có sửa đổi một số nội dung Nghị định 119/2013/NĐ-CP quy định chi tiết các mức vi phạm và nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi. Trong Nghị định sửa đổi này, hành vi vi phạm giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi sẽ tăng từ mức 10-15 triệu đồng lên mức 15-20 triệu đồng.

Đối với chủ nông hộ hoặc trang trại có hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhưng chưa tạo dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm có thể bị phạt tiền lên tới 100 triệu đồng. Hành vi vi phạm kinh doanh mỗi loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc không có văn bản cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bị phạt 10-15 triệu đồng…

Với những hành vi vi phạm nghiêm trọng sẽ chính thức có những quy định rõ ràng hơn trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi bổ sung năm 2015, có hiệu lực từ 1-7-2016 tới). Cụ thể, tại điểm a, Khoản 1, Điều 190, tội sản xuất, buôn bán hàng cấm bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Tại điểm a, Khoản 1, Điều 191, tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm: “Bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối.

Đặc biệt, thay vì quy định yếu tố cấu thành tội vi phạm các quy định về VSATTP là phải gây ra “hậu quả nghiêm trọng” - cụm từ vốn rất khó xác định khi áp dụng luật thì Điều 317 trong Bộ luật Hình sự sửa đổi đã được điều chỉnh và quy định rõ ràng hơn mỗi mức độ vi phạm kèm theo hình phạt tương xứng. Mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 20 năm. Không biết với những quy định mới, những kẻ vi phạm liệu có chùn tay? Câu trả lời là: chắc chắn có, nếu các cơ quan chức năng làm hết chức trách, nhiệm vụ lẫn cả cái tâm nghề nghiệp của mình.

Chúng ta đã có hành lang pháp lý rõ ràng, việc còn lại là phải kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm theo pháp luật. Đó cũng là hy vọng lớn nhất của người dân trong vấn đề VSATTP để mâm cơm không còn là nỗi lo mỗi ngày. Những kẻ vi phạm, hãy dè chừng, pháp luật sẽ không thể nương tay thêm nữa.