Mạnh tay với hành vi buôn bán quân trang giả

ANTĐ - Trong thời gian qua, nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến các đối tượng sử dụng quân trang giả đã bị cơ quan chức năng phát hiện. Các đối tượng này đều bị xử lý, song những người buôn bán quân trang quân dụng giả thì vẫn… vô can.

Lực lượng công an phối hợp với quản lý thị trường kiểm tra sạp hàng buôn bán 
quân trang quân đội tại khu vực Bệnh viện 105

Luật đã có…

Tháng 10-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu. Theo đó, buôn bán trái phép quân hiệu, phù hiệu, quân phục, quân trang... sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Nghị định 59/2006/NĐ-CP cũng đã quy định vũ khí quân dụng, trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an bao gồm quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng để chế tạo... thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, tịch thu hàng hóa. Thương nhân, cá nhân, tổ chức kinh doanh mặt hàng này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính từ 500.000 đồng đến 100 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Quy định là như vậy nhưng trên thực tế, để xử lý các đối tượng này hiện còn rất nhiều vướng mắc. Điển hình là ngày 4-10, CAH Từ Liêm bắt Nguyễn Duy Hùng về hành vi giả mạo chức vụ cấp bậc và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Duy Hùng đã mạo danh mình là Thiếu tá quân đội nhân dân Việt Nam và mặc một bộ quân phục với đầy đủ ve hàm và cả... biển hiệu. Sau khi bị bắt, Hùng khai mua bộ quần áo này với giá 300.000 đồng tại đường Lê Duẩn. Cơ quan CSĐT CAH Từ Liêm đã ra lệnh khám xét khẩn cấp cơ sở kinh doanh này, thu giữ rất nhiều quân trang, quân dụng của các ngành quân đội và công an. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, cơ sở kinh doanh trên vẫn chưa phải chịu bất cứ một hình thức xử lý nào do quần áo thu được tại đây phần lớn là hàng giả, không thuộc danh mục hàng cấm. Còn việc kinh doanh mua bán hàng giả cũng không xử lý được do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chưa có đăng ký bảo hộ về kiểu dáng, màu sắc cho quân phục, lễ phục.

… nhưng khó xử

Theo chủ một cửa hàng trên đường Lê Duẩn thì rất nhiều người ở đủ mọi lứa tuổi có nhu cầu mua quân trang, quân dụng. Thậm chí cả các cựu chiến binh, những người hiện đang công tác trong lực lượng vũ trang bị rơi, mất quân trang, cành tùng, sao mũ, thắt lưng cũng là khách hàng của các cửa hàng này. Giá một bộ quần áo xuân hè của quân đội được bán với giá 300.000 đồng, quần áo thu đông là 700.000 đồng đến 1 triệu đồng. Chiếc mũ giống hệt mũ của ngành công an được bán với giá 120.000 đồng có gắn sao, 100.000 đồng không kèm sao… Bên cạnh đó, một số cửa hàng còn bán cả quân hàm cấp úy, cấp tá… 

Tại một số tỉnh, quân trang của các ngành công an, quân đội còn được bày bán công khai, mời người dân mua về mặc để đi... lao động vì khá bền. CATP Hà Nội đã nhiều lần phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các cơ sở kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn Hà Nội, thu giữ được hàng nghìn bộ quân trang cùng với nhiều loại quân dụng nhưng dường như việc làm này chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Vì các trường hợp này chỉ bị xử phạt hành chính với mức vài triệu đồng, thậm chí thu giữ hàng hóa thì cũng chỉ ít ngày sau, cửa hàng kinh doanh lại hoạt động bình thường. 

Để hạn chế tình trạng quân trang, quân dụng giả được mua bán tràn lan trên thị trường đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của lực lượng công an, quản lý thị trường. Ngoài ra, các cơ quan công an, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và thanh tra Nhà nước chuyên ngành cũng có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại. Các cơ quan công an có thể tự mình hoặc phối hợp với cơ quan quản lý thị trường, hải quan để sớm phát hiện, xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, cần có biện pháp mạnh với một số cơ sở buôn bán, kể cả việc truy cứu trách nhiệm hình sự với một số vụ việc điển hình để răn đe.