Mạnh tay giải tỏa chợ cóc, chợ tạm

ANTĐ - Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội  Nguyễn Ngọc Tuấn tại buổi làm việc về công tác phát triển và quản lý chợ ngày 13-11. Theo đó, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cần đặt ra mốc thời gian cụ thể để giải quyết vấn đề này.

Mạnh tay giải tỏa chợ cóc, chợ tạm ảnh 1Dẹp bỏ chợ cóc lấn chiếm vỉa hè để đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị

Chợ cóc vẫn gia tăng

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến hết quý III-2014, thành phố đã giải tỏa được 60/109 tụ điểm chợ cóc. Tuy nhiên, theo các quận, huyện, thị xã, ngoài 109 tụ điểm nêu trên, thành phố còn 90 tụ điểm nữa cần sớm giải tỏa như: trước cổng trường Mầm non Mai Dịch, khu tập thể Đồng Xa (quận Cầu Giấy), tụ điểm chợ cóc tại phố Nguyễn Phúc Lai (quận Đống Đa), tụ điểm trên đường Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm)… Các tụ điểm này đều lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, gây bức xúc trong dư luận. 

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Số lượng tụ điểm chợ cóc vẫn gia tăng, hình thành ở nhiều địa bàn khác nhau. Một số tụ điểm hình thành trên tuyến đường mới mở, số khác tái họp sau khi giải tỏa”. Đáng chú ý, ở những khu vực giáp ranh, khi chính quyền sở tại giải tỏa một tụ điểm chợ cóc thì lập tức tiểu thương chạy sang địa bàn khác hoạt động. Ví dụ, khi chợ cóc Vĩnh Hồ (phường Ngã Tư Sở - quận Đống Đa) bị giải tỏa, người kinh doanh đã sang phường Thịnh Quang hình thành 3-4 tụ điểm khác trong sân khu tập thể hoặc trong ngõ. Tương tự, khu vực Văn Chương (phường Khâm Thiên) có nhiều ngõ nhỏ, nên người bán hàng chạy từ ngõ nọ sang ngách kia, dẫn đến hình thành thêm nhiều chợ cóc mới. Trước thực trạng này, bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm kiến nghị, nên khuyến khích các quận, huyện đăng ký tiến độ giải tỏa chợ cóc để thực hiện cho hiệu quả, kiên quyết. 

Đồng tình, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: “Phải kiên quyết dẹp bỏ chợ cóc, đặc biệt là những tụ điểm nằm trên đường quốc lộ, vỉa hè, lòng đường. Các địa phương cần đăng ký xem tụ điểm nào giải tỏa được trước, khi nào hoàn thành để thực hiện cho tốt”.

Thu hồi dự án chợ chậm tiến độ

Trên địa bàn thành phố hiện có 17 dự án chợ được chuyển đổi theo mô hình chợ kết hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê… Trong đó, 6 công trình chợ kết hợp đã đưa vào hoạt động, song chỉ có chợ Mơ được đánh giá là hoạt động hiệu quả sau chuyển đổi. 7 dự án chợ - TTTM chưa khởi công gồm: TTTM - chợ Trương Định, số 461 phố Trương Định, quận Hoàng Mai; Chợ - TTTM Thành Công, phường Thành Công B, quận Ba Đình; Chợ - TTTM Châu Long, số 3 Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình; Chợ - TTTM, dịch vụ Thượng Đình, số 132 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân; TTTM, chợ, siêu thị, văn phòng cho thuê Xuân La, quận Tây Hồ; Chợ - TTTM Đuôi Cá, quận Hoàng Mai. Theo Sở Công Thương Hà Nội, phần lớn các dự án trên chưa khởi công được là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, hoạt động của các TTTM không hiệu quả, tồn kho văn phòng cho thuê lớn và vướng mắc về giải phóng mặt bằng do chưa có được sự đồng thuận của tiểu thương. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư không bố trí đủ vốn để triển khai. 

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các quận, huyện có chợ chuyển đổi nhưng hoạt động chưa hiệu quả cần rà soát lại các điểm bất hợp lý để khắc phục. “Có thể tham khảo thành công của chợ Mơ. Gần đây, chủ đầu tư đã giảm phí cho tiểu thương và không tính vé gửi xe, vừa khuyến khích được người kinh doanh, vừa thu hút được người dân mua sắm” - ông Nguyễn Ngọc Tuấn gợi ý.

Riêng đối với các dự án chợ còn chậm tiến độ, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu: “Xem xét lại năng lực của chủ đầu tư, nếu không đáp ứng được yêu cầu thì thu hồi dự án. Khi triển khai dự án cũng phải công khai, lắng nghe ý kiến của nhân dân để có được sự đồng thuận”. 

Nhiều chợ không đáp ứng yêu cầu PCCC

Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC Hà Nội cho biết, hầu hết các chợ không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. 8/10 chợ được kiểm tra không có bình bọt. Nhiều chợ không có bể nước PCCC hoặc có bể nhưng không đủ nước; Lối thoát nạn bị lấn chiếm; Hệ thống điện không phân tách nguồn gây khó khăn cho lực lượng chữa cháy nếu xảy ra hỏa hoạn. Bên cạnh đó, nhiều công trình chợ được cải tạo, nâng cấp không có hệ thống PCCC. Tiểu thương tự ý cơi nới, thay đổi kết cấu, lắp thêm mái che, mái vẩy, các thiết bị điện, thắp hương trong chợ dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao.