Mạnh tay chống trốn thuế, Indonesia thu về hàng tỷ USD

ANTD.VN - Trong nỗ lực truy tìm hàng chục tỉ USD mà những người giàu có đang giấu ở nước ngoài, các đảng phái chính trị ở Indonesia đã nhất trí trình lên Quốc hội dự luật chống trốn thuế.

Mạnh tay chống trốn thuế, Indonesia thu về hàng tỷ USD ảnh 1Dự luật chống trốn thuế đang được thảo luận tại Quốc hội Indonesia

Theo hãng tin Bloomberg, dự luật này sẽ giúp Chính phủ Indonesia đẩy mạnh truy thu thuế, thông qua khả năng tiếp cận tốt hơn các thông tin về tài sản của công dân Indonesia cất giữ ở nước ngoài, chẳng hạn như Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc). Hiện tại, Indonesia đang áp dụng một quy định khẩn cấp về chống trốn thuế thay cho luật, gọi là Perpu. Tuy nhiên, chính quyền Jakarta muốn biến quy định này thành luật chính thức tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội diễn ra ngày 27-7.

Tương tự một số quốc gia đang phát triển khác, Indonesia có một số lượng lớn người dân không thực hiện nghĩa vụ thuế. Bộ Tài chính nước này ước tính chỉ có 27 triệu người Indonesia trong tổng số 115 triệu lao động nước này kê khai thuế và năm 2014 chỉ vỏn vẹn 900 nghìn người thực hiện đúng nghĩa vụ. Tỉ lệ thu thuế của Indonesia còn thua cả Philippines và Campuchia. Nhờ trốn thuế, nhiều người Indonesia đã giàu có lên. Có điều những khoản tiền kiếm bất minh này lại được bí mật đem ra gửi ở các ngân hàng nước ngoài. 

Tình trạng người giàu Indonesia phân tán tài sản ra nước ngoài đã diễn ra từ nửa thế kỷ qua. Theo đánh giá của các hãng tài chính quốc tế, tài sản của người Indonesia ở nước ngoài trị giá trên 300 tỉ USD. Một số ít nằm rải rác ở Úc, Hồng Kông, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ..., còn khoảng 85% số tiền này nằm ở Singapore. Thực trạng trốn thuế và giấu tiền ở nước ngoài đã dẫn đến việc Indonesia thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vốn để chi cho các dự án hạ tầng.

Để ngăn chặn tình trạng này, tháng 6-2016, Quốc hội Indonesia đã thông qua Đạo luật ân xá thuế (TAB) với mục tiêu khuyến khích người dân nước này mang tài sản xưa nay không nộp thuế từ nước ngoài về lại quê hương. Mục tiêu lớn nhất của chương trình này là hút về khoảng 76 tỉ USD tài sản ở nước ngoài và thu thuế khoảng 12,6 tỉ USD, để bù đắp cho thâm hụt ngân sách vốn gần chạm mức nguy hiểm 3% GDP.

Có hiệu lực từ tháng 7-2016 đến tháng 3-2017, TAB cho phép chủ sở hữu kê khai đến cuối tháng 9-2016 các tài sản trong và ngoài nước trốn thuế xưa nay và chỉ bị đánh thuế 4%. Nếu mang các tài sản từ nước ngoài về, mức thuế chỉ 2%. Sau thời hạn 30-9, mức thuế tăng dần đến tối đa 10%. Sau đó, thời hạn 30-9 đã được nới thêm bằng cách cho phép cá nhân kê khai, đóng thuế trước ngày này nhưng có thể bổ sung chứng từ đến ngày 31-12-2016.

Tính tới cuối ngày 23-9, số liệu công khai của Tổng cục Thuế Indonesia cho hay đã có hơn 100.000 người kê khai theo chương trình TAB, với tổng giá trị tài sản khai báo hơn 126 tỉ USD, đạt 41% mục tiêu, và số thuế đóng 3 tỉ USD, đạt 23,8% mục tiêu. Chuyên gia chiến lược của Ngân hàng Citi Bank Ferry Wong đánh giá TAB của Indonesia là một trong những chương trình thành công nhất thế giới.

Dự luật chống trốn thuế vừa được trình lên Quốc hội xem xét sẽ giúp Indonesia tiếp tục mục tiêu mà TAB chưa thực hiện được. Không chỉ giúp truy tìm hàng chục tỉ USD mà những người giàu có đang giấu ở nước ngoài, thu thuế với các khoản thu nhập này, dự luật mới còn giúp Indonesia thỏa mãn điều kiện để tham gia Cơ chế trao đổi thông tin tự động (AEOI) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Indonesia hy vọng khi tất cả nhà băng có nghĩa vụ gửi thông tin khách hàng cho cơ quan thuế quốc gia, với dữ liệu về người nước ngoài được chia sẻ với cơ quan thuế tại quê hương của khách hàng đó, tình trạng gửi tiền ra nước ngoài để trốn thuế sẽ bị ngăn chặn.