Mạnh tay cắt thủ tục "hành là chính" (2): Gọn rồi, nhưng ngắn được nữa không?

ANTĐ - Thủ tục đang thực hiện kéo dài 30 ngày, Sở QH-KT Hà Nội báo cáo thành phố rút xuống còn 15 ngày. Đọc xong báo cáo của Sở, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo ngay: “Sở chủ động rút xuống 15 ngày cũng gọn rồi nhưng để thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, đồng chí Giám đốc Sở xem xét rút xuống còn 10 ngày thôi...”.

Mạnh tay cắt thủ tục "hành là chính" (2): Gọn rồi, nhưng ngắn được nữa không? ảnh 1Người dân tới làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của Sở KHĐT Hà Nội

Vì sao 10 ngày?

Qua theo dõi toàn bộ số hồ sơ nhận và giải quyết trong năm 2015, Sở QH-KT nhận thấy, trong 1.738 hồ sơ trả đúng hạn, có tới 1.276 trường hợp hoàn thành trước hạn. Mỗi lần như thế, cán bộ Sở lại phải liên hệ với người nộp hồ sơ để họ đến lấy kết quả sớm hơn so với giấy hẹn. Thực tế đó cho thấy, có thể rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục và sau quá trình bàn bạc, Sở đã ban hành Quyết định số 553/QĐ-QHKT điều chỉnh quy định về trách nhiệm thụ lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, có hiệu lực từ 1-2-2016. Theo đó, đối với 2 thủ tục: “giới thiệu (hoặc thỏa thuận) địa điểm” và “thông tin quy hoạch”, Sở quy định rút ngắn từ quy trình giải quyết từ 30 ngày làm việc xuống còn 15 ngày, tức là cắt giảm 50% thời gian chờ đợi. 

Liền sau đó, Sở QH-KT đã báo cáo quy trình mới lên UBND TP Hà Nội. Sau khi xem xét, ngày     6-2, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã có bút phê biểu dương những nỗ lực của Sở      QH-KT trong việc rút ngắn thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, cùng đó, Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Giám đốc Sở QH-KT chỉ đạo tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết 2 thủ tục nói trên xuống còn 10 ngày, tức là chỉ còn khoảng 30% so với thời điểm trước 1-2-2016. 

Nhận chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, lãnh đạo Sở QH-KT đã cùng các phòng, ban rà soát lại thật kỹ toàn bộ quy trình, từng khâu, từng bước xử lý hồ sơ để tìm cách cắt giảm thời gian. Đến ngày 19-2-2016, Sở QH-KT đã ban hành quyết định thay thế Quyết định số 553/QĐ-QHKT, rút ngắn thời gian giải quyết 2 thủ tục đã nêu xuống còn 10 ngày, thực thi từ 1-3-2016. “Mỗi khâu liên quan đều phải giảm thời gian thụ lý, không để thời gian “chết” và có bổ sung một vài sáng kiến trong quy trình xử lý nên bớt được 5 ngày nữa.

Tóm lại là từ Giám đốc Sở tới nhân viên đều phải tăng tốc. Đương nhiên, đây là việc đã được tính toán kỹ, khoa học, đảm bảo tính khả thi chứ không phải duy ý chí. Và cũng không riêng 2 thủ tục “giới thiệu (hoặc thỏa thuận) địa điểm” và “thông tin quy hoạch”, Sở đang rà soát để tìm cách rút ngắn các thủ tục khác. Cải cách hành chính được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của chúng tôi” - đại diện Sở QH-KT nói.

Không gian để cải cách còn rất rộng

Thực tế cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính của Sở QH-KT Hà Nội cho thấy, còn rất nhiều thủ tục có thể rút ngắn  nếu bộ máy hành chính và người đứng đầu tập trung sức lực, trí tuệ cho vấn đề này. Đơn cử, với thủ tục thành lập mới doanh nghiệp (trong năm 2015, Sở KH-ĐT Hà Nội đã rút ngắn từ 5 xuống còn 3 ngày), một chuyên gia về hành chính cho rằng, hoàn toàn có thể cấp chỉ sau 8 giờ làm việc. “Ở đây là chế độ đăng ký, tức là doanh nghiệp khai thế nào thì được đăng ký như vậy.

Quan trọng là hệ thống phải lập sẵn danh mục những hoạt động kinh doanh bị cấm, không được phép làm, khi bản khai của doanh nghiệp “chạy” qua hệ thống này, không phát hiện vướng mắc gì là có thể cấp luôn. Luật Doanh nghiệp của ta hiện nay rất thoáng và doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Thế nên, đơn giản là ta chỉ lên danh mục cấm, cái gì phạm phải thì loại ra, còn không thì cấp ngay” - vị chuyên gia nói. 

Thủ tục ngắn gọn, thời gian giải quyết nhanh thì ai cũng muốn, nhưng chưa phải là tất cả. Từng thất vọng với “một cửa nhưng nhiều khóa”, người dân và doanh nghiệp mong “ngắn gọn, nhanh” phải đi kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ. Ghi nhận xu hướng này, đại diện Sở QH-KT cho biết: “Rút gọn lại như thế sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho đội ngũ cán bộ, công chức bởi thực tế là số biên chế vẫn giữ nguyên. Do đó, trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ phải giám sát chặt chẽ để xử lý kịp thời những vấn đề có thể phát sinh, đảm bảo quy trình thực hiện hiệu quả, chất lượng”. 

Không chỉ có giám sát nội bộ, sự quan sát, đánh giá của người dân, doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng cải cách hành chính mới là quan trọng nhất. Đại diện Sở QH-KT nói: “Mỗi khi trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, Sở QH-KT đều gửi kèm 1 phiếu xin ý kiến đánh giá mức độ hài lòng về sự phục vụ của cán bộ, công chức, cả về tinh thần, thái độ phục vụ cũng như chất lượng chuyên môn. Các phiếu này đều được bộ phận có trách nhiệm tổng hợp, gửi tới Ban Giám đốc để xem xét, xử lý một cách nghiêm túc, thỏa đáng...”.   


(Còn nữa)