Mảnh đất màu mỡ của… thuốc độc

ANTĐ - Chẳng còn nghi ngờ. Con số được các cơ quan chức năng công bố rằng, mỗi ngày Việt Nam phải dành ít nhất 20,5 tỷ đồng để nhập khẩu thuốc trừ sâu từ Trung Quốc đã khẳng định chúng ta đang là mảnh đất màu mỡ cho ngành công nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu của Trung Quốc, đồng thời xếp Việt Nam vào những quốc gia hàng đầu về tiêu thụ loại thuốc độc được gắn với cái tên rất tử tế, đó là thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Trong 3 năm gần đây, mỗi năm chúng ta phải chi khoảng nửa tỷ USD cho thuốc BVTV, danh mục thuốc BVTV được sử dụng ở nước ta lên tới gần 1.700 hoạt chất, trong khi các nước trong khu vực chỉ có khoảng 400-600 hoạt chất. 

Nhưng đáng nói, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Bởi thực tế, lượng thuốc trừ sâu từ Trung Quốc được tuồn vào thị trường nội địa còn lớn gấp nhiều lần, thông qua các con đường tiểu ngạch, khi được các đối tượng buôn lậu “cõng” về Việt Nam thông qua các lối tắt, “đường mòn biên mậu” mà các cơ quan chức năng không thể quản lý xuể. 

Những con số khổng lồ đến mức khó hiểu như trên khiến người tiêu dùng Việt Nam bàng hoàng. Bởi thực trạng lạm dụng thuốc BVTV nếu như trước kia mới chỉ là những dẫn chứng trên một số thửa ruộng, khi nhiều bài báo thông tin về tình trạng người trồng rau phải trồng riêng một thửa cho gia đình mình ăn, những thửa còn lại chỉ bán ra thị trường chứ tuyệt nhiên không dám đụng đến… thì nay nó đã được chứng minh bằng chính những con số do cơ quan chức năng công bố. 

Cũng theo một con số được đưa ra bởi các chuyên gia quốc tế, có tới 80% thuốc BVTV tại Việt Nam đang được sử dụng không đúng cách, không cần thiết. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người trồng trọt và người tiêu dùng, gây ô nhiễm môi trường. Lượng thuốc BVTV dư thừa thẩm thấu xuống đất và nguồn nước sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường. Trong khi đó, hóa chất BVTV, thuốc trừ sâu của Trung Quốc có độc dược mạnh, diệt rộng đối với hầu hết các loại sâu bệnh, nên nông dân sử dụng mà không biết vô tình gây nên nhiều hậu quả, trong đó có cả tình trạng sâu bệnh kháng thuốc trừ sâu. 

Lý giải cho việc Việt Nam ưa thích và phụ thuộc vào thuốc trừ sâu Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, do công nghệ sản xuất trong nước chưa có khả năng sản xuất được thuốc BVTV mà chỉ dừng lại ở mức pha chế, gia công, đóng gói… nên chủ yếu phải sử dụng thuốc trừ sâu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, thuốc trừ sâu của Trung Quốc giá rẻ, không đội giá thành nông sản, lại dễ sử dụng nên được nông dân nước ta ưa chuộng.

Không những thế, các doanh nghiệp sản xuất thuốc BVTV Trung Quốc cũng rất “đầu tư” vào thị trường Việt Nam, khi họ đã bỏ công sức nghiên cứu rất kỹ nông vụ nước ta để sản xuất ra những sản phẩm phù hợp. Trong khi đó, các nhà khoa học của ta cũng có rất nhiều nghiên cứu, thậm chí đã từng có những người nông dân tự mày mò nghiên cứu được những loại thuốc trừ sâu sử dụng công nghệ sinh học, nhưng đáng buồn là đa phần đều cất ngăn tủ, sản phẩm nào may mắn cũng chỉ áp dụng được trong phạm vi… làng xã. 

Đã đến lúc không chỉ quản lý chặt việc nhập khẩu, sử dụng thuốc BVTV, hướng đến những sản phẩm an toàn cho sức khỏe người làm nông nghiệp và người tiêu dùng, thân thiện môi trường, mà Nhà nước cũng cần quan tâm đến việc khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực này. Bởi, nước ta có một nền nông nghiệp lớn, nhu cầu thuốc BVTV cũng rất lớn, không cớ gì lại biến mình thành thị trường màu mỡ cho các loại thuốc độc từ nước ngoài.