Mang vạ vì học đòi vắt sữa non sớm

ANTĐ - Thời gian gần đây trên một số diễn đàn của các bà mẹ, phụ nữ mang thai đề cập đến trào lưu mới: Vắt sữa non tích trữ khi mới ở tuần thứ 36, 37 của thai kỳ. Theo các bác sỹ sản khoa, việc làm này tăng nguy cơ đẻ non của các sản phụ.

Điều quan trọng nhất đối với phụ nữ mang thai là tranh thủ nghỉ ngơi 
và thăm khám theo định kỳ

Vắt sữa để dự trữ

Phong trào vắt sữa non khi đang mang thai được bàn luận sôi nổi sau khi xuất hiện bài viết khuyên phụ nữ có bầu từ tuần thứ 36 trở đi nên vắt sữa non, dự trữ cho trẻ uống ngay sau sinh, phòng trường hợp mẹ chưa có sữa ngay hoặc vì lý do nào đó không thể cho con bú, trẻ phải cách ly mẹ.

Theo bài viết này, cơ thể thai phụ bắt đầu sản xuất sữa non khoảng từ tuần 16-20. Từ trước đến nay, tác dụng không thể thay thế của sữa non đã được khẳng định, trẻ sơ sinh nên được bú nguồn sữa này càng sớm càng tốt. Song  trong một số tình huống đặc biệt, do sức khỏe của mẹ hoặc con, con có thể phải cách ly khỏi mẹ, con không có khả năng bú mẹ, để trẻ không phải sử dụng sữa công thức sớm khi hệ tiêu hóa còn rất non nớt, người mẹ cần tích trữ sữa non sớm. Vì vậy, các bà mẹ sẽ tiến hành vắt sữa non từ tuần thứ 36, rồi trữ lạnh để đến khi sinh con, hâm nóng  sữa này cho bé ăn.

Sau khi đọc thông tin trên và cho là có lý, chị Vũ Thị Hương Vân (ở ngõ 97 phố Văn Cao, quận Ba Đình) đã quyết định làm theo hướng dẫn. Vào tuần thứ 36 của thai kỳ, chị Vân bắt đầu “chiến dịch” nặn và tích trữ sữa non, dù công việc này khá chật vật. Trung bình mỗi lần, trong khoảng thời gian gần 1 tiếng đồng hồ,  chị Vân vắt được 2-3 ml sữa. Đến nay, khi chuẩn bị đến ngày sinh, lượng sữa chị Vân tích trữ đã được khá nhiều. Vắt sữa xong, chị Vân cẩn thận bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. “Mặc dù rất phấn khởi vì đã có sữa non dự phòng cho con ngay khi bé chào đời nhưng tôi vẫn phân vân không biết việc bảo quản sữa trong thời gian dài như vậy có làm sữa có mất tác dụng không” - chị Vân chia sẻ.

Rút kinh nghiệm đứa con đầu lòng thường xuyên ốm đau do không được bú mẹ ngay từ khi mới sinh nên chị Đào Thanh Hòa (ở khu chung cư Sông Đà, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cũng tích trữ sữa non khi mang thai lần 2 được 37 tuần. Tuy vậy, chỉ sau vài lần vắt sữa, chị Hòa đành phải từ bỏ ý định do xuất hiện những cơn co bất thường. Đây cũng là nguyên nhân khiến chị Hòa phải nằm viện 2 tuần để theo dõi. Chị Hòa tâm sự: “Tham khảo ý kiến của một số bà mẹ đang mang thai, nghe họ phân tích về tác dụng của việc vắt sữa non sớm, tôi nghe bùi tai nên cũng làm theo, không ngờ suýt nữa thì mang vạ”…

Chỉ khi có chỉ định của bác sỹ

Theo bác sỹ Phạm Thanh Hải - Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng), phụ nữ khi mang thai không nên vắt sữa non. Nguyên nhân là do việc vắt sữa non sẽ kích thích, tăng tiết oxytocin nội sinh và có nguy cơ gây sinh non. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những trường hợp đã đẻ mổ hay bị nhau tiền đạo. Ngoài ra, sữa non được bảo quản lâu trong tủ lạnh chất lượng sẽ bị ảnh hưởng, chưa kể đến việc khi vắt sữa không đảm bảo vệ sinh có thể khiến sữa bị nhiễm khuẩn. Trẻ sơ sinh do hệ miễn dịch còn rất yếu khi uống phải sữa này có nguy cơ bị tiêu chảy, viêm ruột hoại tử... 

Cũng theo bác sỹ Thanh Hải, thực tế ở nước ngoài đã có một số trường hợp bác sĩ khuyên người mẹ vắt sữa non từ giai đoạn mang thai. Đó là những bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Khi đó, trẻ sinh ra có thể bị hạ đường huyết nhanh chóng nên cần được dùng sữa non của mẹ ngay lập tức. Ngoài ra, những bà mẹ vì nhiều lý do khác nhau không thể cho bé bú mẹ trực tiếp được như bị lao phổi, viêm hô hấp trên, bị sang thương vú do herpes, nhiễm cúm... mới nên vắt sữa để dành cho trẻ bú. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về tính an toàn, hiệu quả, sự khác biệt về dinh dưỡng giữa sữa non trước sinh và sữa non sau sinh. 

Vắt sữa non trước sinh là việc làm không có lợi đối với tất cả các bà mẹ. Trước khi thực hiện việc này, người phụ nữ mang thai cần nhận thức một cách đầy đủ về những nguy cơ có thể xảy ra, đặc biệt đối với những người đã có tiền sử sinh non, những thai phụ đang điều trị dọa sinh non, người đã từng sinh mổ... “Thay vì việc vừa mất sức vừa mất thời gian để nặn từng giọt sữa non, phụ nữ mang thai nên chú ý chăm sóc sức khỏe bản thân, tranh thủ nghỉ ngơi, thư giãn để chuẩn bị cho việc tiết sữa tốt nhất sau khi con chào đời” – bác sỹ Thanh Hải đưa ra lời khuyên.