Mảng tối "tham nhũng y tế"

ANTD.VN - Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước mới đây đã phát hiện hàng loạt sai phạm của Sở Y tế Gia Lai. 

Cụ thể, với việc đẩy giá thuốc lên cao, thao túng kết quả đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế, làm sân sau cho doanh nghiệp trúng thầu trái quy định, Sở Y tế Gia Lai và các đơn vị y tế công lập trên địa bàn đã tạo nên khoản chênh lệch để rút ruột ngân sách Nhà nước 67 tỷ đồng trong vòng 3 năm.

 Trong số 7 gói thầu của nguồn vốn đầu tư phát triển thì cả 7 đều bị nâng khống giá lên, có khi tới gấp… 3 lần. Chẳng hạn giá trị gói mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Tâm thần kinh, Sở này mua với giá 16,7 tỷ đồng nhưng giá trị thực chỉ có 5,6 tỷ đồng; Giá trị mua sắm trang thiết bị y tế bệnh viện huyện Chư Pứh được “kê” giá lên đến 22,1 tỷ đồng, trong khi giá trị chỉ là 9,5 tỷ đồng… Sở Y tế Gia Lai cũng phớt lờ những sai phạm của các cơ sở y tế công lập trong đấu thầu mua sắm thuốc, dẫn đến các doanh nghiệp trúng thầu trái quy định với đơn giá thuốc cao hơn gây thất thoát ngân sách 10,6 tỷ đồng…

Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên những sai phạm trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập. Việc các cơ sở y tế bắt tay doanh nghiệp “sân sau” để thao túng kết quả đấu thầu gây thất thoát ngân sách Nhà nước đã trở thành một mảng tối nhức nhối trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế. Trước đó, hàng loạt địa phương như Long An, Đồng Nai, TP.HCM, Tây Ninh, Đắk Lắk… cũng từng bị phát hiện những sai phạm này. Chẳng đâu xa, cũng ngay tại Sở Y tế Gia Lai trước đó ít lâu, hàng loạt cán bộ tại Sở này đã phải hầu tòa khi “phù phép” thuốc nội thành thuốc ngoại, chọn giá thầu cao... để tư lợi gần 9 tỷ đồng. 

Thật đáng buồn! Trong khi ngành Y tế đang phải gồng mình vì thiếu thốn, vì quá tải trong khi có nhiều y bác sĩ hết lòng tận tụy vì người bệnh thì lại tồn tại những con người chỉ lo đục khoét nguồn ngân sách hạn hẹp dành cho y tế. Họ - những người nắm giữ quyền mua sắm tài sản công trong những trường hợp này chỉ quan tâm đến khoản lợi đạt được cho cá nhân sau những gói thầu, còn thuốc kém chất lượng, máy móc lạc hậu… thì đương nhiên người bệnh phải chịu.

Đáng nói, hậu quả của tiêu cực, tham nhũng trong y tế không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăm sóc sức khỏe và túi tiền của hàng chục triệu người dân ở những địa phương vốn đã khó khăn này. Điều này cũng dẫn đến tình trạng người bệnh các địa phương lũ lượt kéo lên các tuyến trên để khám và điều trị vì máy móc, thiết bị y tế của bệnh viện tuyến dưới thiếu thốn, lạc hậu, không đủ thuốc điều trị, chưa kể trình độ bác sĩ cũng hạn chế. 

Chẳng ai dám chắc với máy móc, thiết bị lạc hậu, thuốc kém chất lượng sẽ đảm bảo tính mạng, sức khỏe của người bệnh khi thăm khám, điều trị ở đây. Vậy nên, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm. Cần có những biện pháp đảm bảo sự minh bạch trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, loại bỏ những mảng tối tồn tại lâu năm trong lĩnh vực này. Mới chỉ có một địa phương, con số thất thoát đã lên tới hàng chục tỷ đồng, nếu để tình trạng này tái diễn ở những địa phương khác, thì hậu quả là vô cùng nghiêm trọng.