Mảng tối của truyền hình thực tế

ANTĐ - Truyền hình thực tế đã xuất hiện trên thế giới từ nhiều năm trước và bắt đầu ồ ạt tràn vào Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua. Điều nguy hiểm là, chúng ta không chỉ dập khuôn nguyên mẫu những chương trình đó mà còn dập khuôn cả những tai tiếng đằng sau đó.

Mảng tối của truyền hình thực tế  ảnh 1
Deleese Williams không ngờ việc tham gia Extreme makeover đã dẫn  đến cái chết của em gái cô


“Con dao hai lưỡi”

Truyền hình thực tế mới chỉ thực sự nổi lên tại Việt Nam không lâu, nhưng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người xem và dư luận. Với những lời quảng cáo có cánh như “chân thực và hấp dẫn với những tình huống, hoàn cảnh và sự kiện không hề sắp đặt trước trong kịch bản” tạo nên bất ngờ thú vị cho người xem. Khán giả mải mê tập trung vào những tình huống trong chương trình mà ít để ý đến những cảm nhận của người tham gia. Chỉ mãi đến khi sự việc nghệ sĩ Quyền Linh phải “chết đứng” trước thông tin và những lời gièm pha về việc bỗng dưng trở thành kẻ tàng trữ hàng cấm trong một tình huống được dàn dựng bất ngờ. Một phần khán giả đã lờ mờ nhận ra con dao hai lưỡi của những chương trình loại này. Trên thế giới từng ghi nhận nhiều thí sinh đã lâm vào tình trạng hoảng loạn thậm chí dẫn tới tự tử sau khi tham gia những show truyền hình thực tế kiểu này. 

Có thể lấy dẫn chứng từ vụ tự tử của Sinisa Savija sau khi trở thành người đầu tiên bị  loại khỏi chương trình thực tế Expedition: Robinson vào năm 1997. Sinisa Savija (lúc đó mới 34 tuổi) đã bất ngờ nhảy ra khỏi đoàn tàu đang di chuyển với tốc độ cao tại Norrkoping, Thuỵ Điển. Được biết, khi tham gia chương trình, Sinisa đã bị các thí sinh khác xa lánh vì phát âm không rõ ràng cùng với sự yếu kém dẫn đến việc không vượt qua được những thử thách của cuộc thi. Điều đó đã khiến ông mặc cảm và cho rằng không còn tìm thấy ý nghĩa từ cuộc sống. Ngày 11-7-1997, ông đã tự chấm dứt cuộc sống của mình.

Nhưng nực cười hơn, sau những lùm xùm đó, Expedition: Robinson đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng, ăn khách và thậm chí còn được sản xuất tại Mỹ dưới tên gọi Survivor (Người sống sót). Hay như cái chết của Kellie McGee cũng liên quan đến một chương trình truyền hình thực tế. Chị gái cô là Deleese Williams - một phụ nữ luôn bị chê là hàm lệch đã tham gia chương trình truyền hình thực tế Extreme makeover (được biết đến là chương trình hoán đổi nhan sắc cho người chơi) trên kênh ABC. Những người làm chương trình chỉ đạo để Kellie McGee buông lời xúc phạm ngoại hình của chị để làm tăng hiệu quả cho chương trình. Đáng tiếc, đến phút chót, BTC đã thông báo hủy chương trình.

Tuy nhiên, mặc cảm về việc xúc phạm chị gái đã khiến Kellie quẫn trí và tự vẫn vào tháng   5-2004. Năm 2008, Simon và vợ là Jane, vốn là một người thuộc giới tính thứ 3 đã đồng ý tham gia game show Wife swap (Đổi vợ) bằng việc sống chung với một cô gái. Sau khi chương trình được phát sóng vào tháng 10, hình ảnh Simon được đăng tràn ngập trên nhiều tờ báo lá cải ở Anh. Simon nhanh chóng trở thành trò cười cho dư luận lúc bấy giờ. Ông chìm ngập trong rượu và mất việc làm. Ngày 15-4, nửa năm sau khi chương trình lên sóng, ông đã quyết định tự sát. Gần đây nhất, vào năm 2011, chồng của nữ diễn viên truyền hình thực tế Taylor Armstrong (The Real Housewives of Beverly Hills) cũng đã tìm đến cái chết do những cáo buộc về việc bạo hành gia đình được công khai trên truyền hình. 

Lỗi từ nhiều phía

Tại bất kì chương trình nào đều có những quy định riêng đối với người tham gia. Có những quy chuẩn riêng, đối tượng thí sinh dự thi khác nhau, đối tượng khán giả khác nhau nhưng chung quy lại phải tuân thủ những điều kiện mà chương trình đưa ra. Sự đồng ý của người chơi đồng nghĩa với việc phải chấp nhận tất cả những thành công hoặc rủi ro mà chương trình mang lại. Thế có nghĩa là nhà sản xuất, người chơi đều phải tự lo cho mình trước, một khi đã tham gia, sẽ không bên nào có lỗi nếu có đáng tiếc xảy ra.

Tuy nhiên, quá nhiều những sự việc đau lòng liên quan đến truyền hình thực tế khiến mọi người phải đặt ra câu hỏi, liệu truyền hình thực tế ở Việt Nam có đi theo vết xe đổ của các chương trình từng phát trên các kênh truyền hình thế giới hay không? Không ai có thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra nếu những người làm truyền hình thực tế vẫn tìm cách câu khách từ sự đau khổ, xấu hổ của người tham gia; Nếu khán giả vẫn có nhu cầu mua vui từ nỗi buồn của người khác; Nếu người chơi không tự lường trước được những nguy hiểm cho mình. Sẽ còn nhiều chữ “Nếu” phải giải quyết, nhiều người sẽ vẫn “thưởng thức” niềm vui từ nỗi đau của người khác. Thậm chí kể cả việc đẩy người khác vào đường cùng. Nhưng mảng tối đằng sau những chương trình truyền hình thực tế vẫn cứ còn đó.