Mang thai hộ: Thủ tục pháp lý rất chặt chẽ

ANTĐ - Đến ngày 18-3, tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia - Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có 5 hồ sơ đăng ký nhờ mang thai hộ trong số 20 cặp vợ chồng đến chữa vô sinh tại đây. Tuy nhiên, từ nhu cầu đến thực tiễn triển khai được kỹ thuật này còn rất nhiều vấn đề phức tạp.

Mang thai hộ: Thủ tục pháp lý rất chặt chẽ ảnh 1Nhân viên y tế tư vấn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

Số ca thực hiện không cao

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia cho biết, trong số các cặp vợ chồng có nhu cầu nhờ người mang thai hộ, một số đã tìm được người mang thai hộ là chị, em gái hoặc chị, em dâu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa những trường hợp này đã được chấp nhận để thực hiện mang thai hộ bởi còn phải trải qua khâu xác minh với thủ tục pháp lý rất chặt chẽ. Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện được giao nhiệm vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, kiểm soát chặt chẽ người mang thai hộ để tránh việc thương mại hóa khi thực hiện quy định mang tính nhân đạo này.

Để làm rõ hơn nội dung trên, chiều 18-3, phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) – đơn vị xây dựng thông tư hướng dẫn nghị định quy định về việc thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Ông Nguyễn Huy Quang cho biết, nhu cầu mang thai hộ rất lớn. Song từ nhu cầu đến thực tế triển khai được lại là chuyện không đơn giản. Trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng quy định này từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, ngay cả một số nước đông dân, bình quân mỗi năm chỉ thực hiện được khoảng 10-15 ca mang thai hộ.

Nhiều quy định chặt chẽ, phức tạp

Ông Nguyễn Huy Quang phân tích, để tìm được một người đồng ý mang thai hộ là không dễ bởi phải vượt qua các quy định rất cụ thể, chặt chẽ. Khi đã có người đồng ý, bệnh viện thực hiện kỹ thuật sẽ thiết lập hội đồng, kiểm tra về mặt y tế với cả cặp vợ chồng nhờ và người đồng ý mang thai hộ, sau đó đến tư vấn tâm lý và cuối cùng là tư vấn pháp lý. Trong đó, khâu tư vấn pháp lý phức tạp nhất bởi dưới sự hướng dẫn của luật sư, bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ sẽ phải thống nhất được một hợp đồng dân sự, với rất nhiều ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan. Thực tế, chắc chắn sẽ xảy ra nhiều trường hợp có người đồng ý mang thai hộ nhưng khi thương thảo hợp đồng, xác định tính pháp lý lại đổi ý.

 “Trước hết, cơ quan pháp lý phải tiến hành xác định xem vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ có phải họ hàng thật không, cùng trực hệ không. Sau đó, trong hợp đồng dân sự giữa 2 bên, luật sư sẽ phải đưa vào các điều khoản rất quan trọng về trách nhiệm, nghĩa vụ của 2 bên như: người mang thai hộ đẻ con ra là phải trao ngay cho bên nhờ; Nếu trong quá trình mang thai không phát hiện di tật mà khi đẻ ra con dị tật, bệnh lý thì người nhờ mang thai hộ vẫn phải nhận con; Khi sinh nở bình thường xong là phải chấm dứt hợp đồng, chấm dứt quan hệ, sau này người mang thai hộ không được đòi con, lợi dụng con và ngược lại. Trường hợp vì lý do nào đó người mang thai hộ chết do đẻ con, đứa con chết hoặc chết cả mẹ lẫn con trong sinh nở thì trách nhiệm của bên nhờ mang như thế nào… tất cả đều phải được thể hiện rõ trong hợp đồng” - ông Nguyễn Huy Quang nói.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế thừa nhận, các quy định chặt chẽ như vậy có thể sẽ là rào cản, hạn chế việc thực hiện các ca mang thai hộ, khiến nhu cầu thực tế khó được đáp ứng nhanh. Nhưng chỉ với các ràng buộc chặt chẽ thì mới giải quyết được các vướng mắc về pháp lý nảy sinh sau này. Hiện tại, cả 3 bệnh viện được giao nhiệm vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ đang tích cực chuẩn bị, triển khai. Dự kiến ngày 31-3, Bộ Y tế sẽ tập huấn về Nghị định quy định mang thai hộ này tại TP.HCM.