"Mạng người là trên hết", nên "đã uống rượu bia - không lái xe"

ANTĐ - Hơn 100 câu hỏi đã được gửi đến các vị khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Đã uống rượu bia, không lái xe” diễn ra sáng nay, ngày 21-1, do báo ANTĐ và UBATGT Quốc gia tổ chức. Trong đó, phần lớn các câu hỏi tập trung vào vấn đề xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia, chất có cồn và tính chính xác của máy kiểm tra nồng độ cồn…

Máy kiểm tra nồng độ cồn đảm bảo tính chính xác và vệ sinh

Trước những câu hỏi của độc giả về tính chính xác của máy kiểm tra nồng độ cồn siêu nhanh, ông Nguyễn Trọng Thái – Chánh văn phòng Ủy ban ATGTQG cho biết, máy kiểm tra nồng độ cồn được lực lượng chức năng sử dụng hiện nay chủ yếu nhập từ các công ty có uy tín, thương hiệu trên thế giới với giá từ khoảng 1.000 – 2.000 USD. Các máy này cho ra kết quả chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ từ 2-3 giây sau khi lái xe thổi vào mà vẫn cho kết quả chính xác và đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng. “Với những tài xế trong hơi thở có cồn, máy sẽ báo và tự động in kết quả ra giấy với những thông số, ngày giờ kiểm tra, nồng độ cồn”, ông Thái nói. 

Đồng thời cho biết, với thiết bị này, người tham gia giao thông vẫn ngồi trên xe và thở qua một thiết bị phát hiện nồng độ cồn, nếu không vi phạm, người điều khiển phương tiện tiếp tục đi, CSGT xin lỗi vì đã làm phiền. Còn khi phát hiện vi phạm, CSGT sẽ yêu cầu xuống xe và xe được đưa về nơi xử lý, cùng lúc đó người vi phạm sẽ được đo cụ thể vi phạm đến mức độ nào. Riêng đối với khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa chỉ mang tính chất tuyên truyền, nhắc nhở, vận động người dân là chính vì địa bàn rộng, lực lượng chức năng lại mỏng, chứ chưa tiến hành xử phạt. 

Ngoài những băn khoăn về tính chính xác của thiết bị kiểm tra nồng độ cồn, không ít độc giả gửi câu hỏi trực tuyến về chương trình bày tỏ sự lo lắng về vấn đề mất vệ sinh khi sử dụng thiết bị này. Giải đáp những băn khoăn đó, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết: “Mỗi máy đo nồng độ cồn trang bị cho lực lượng CSGT đều có bộ phận ống thổi có thể dễ dàng thay thế. Khi người điều khiển phương tiện được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, CSGT sẽ bóc ống thổi mới được bọc trong túi ni lông, lắp vào máy đo nồng độ cồn và hướng dẫn người dân thổi đúng quy cách”. Đồng thời nhấn mạnh: “Mỗi ống thổi chỉ sử dụng một lần và cho một người dân. Sau khi kiểm tra, ống thổi đó sẽ được tiêu hủy theo quy định. Việc sản xuất, bảo quản ống thổi hoàn toàn đảm bảo vệ sinh theo quy định”.

Sẽ áp dụng mức xử phạt cao nhất với trường hợp cố tình vi phạm 

Một trong những nội dung được độc giả quan tâm và đặt câu hỏi nhiều nhất tại buổi giao lưu trực tuyến, đó chính là vấn đề xử phạt vi phạm đối với những trường hợp sử dụng rượu bia, chất có cồn khi tham gia giao thông. Trong đó, đáng chú ý nhất là câu hỏi của một độc giả về việc “uống 1 cốc bia có bị xử lý vi phạm hay không?”.

"Mạng người là trên hết", nên "đã uống rượu bia - không lái xe" ảnh 1

Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Uỷ ban ATGTQG và Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT, CATP Hà Nội đều nhấn mạnh rằng, đã sử dụng rượu bia, chất có cồn thì dù ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến việc điều khiển phương tiện và đều có nguy cơ gây TNGT, do đó, không nên điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Còn theo quy định của pháp luật, đối với người điều khiển xe ô tô, khi kiểm tra có nồng độ cồn, chắc chắn sẽ xử lý theo quy định của pháp luật với mức xử phạt cao nhất là từ 10-15 triệu đồng; tạm giữ phương tiện 7 ngày và tước GPLX 2 tháng. Đối với người điều khiển xe mô tô thì bị xử lý khi nồng độ cồn vượt quá 0,25mg/lít khí thở - 0,4mg/lít khí thở. Mức xử phạt cao nhất đối với xe mô tô là 2-3 triệu đồng; tạm giữ phương tiện 7 ngày và tước GPLX 2 tháng. Và theo câu hỏi của độc giả, khi uống 1 đến 2 cốc, có bị xử lý hay không, điều này phải căn cứ vào kết quả máy đo nồng độ cồn của CSGT. 

Tuy nhiên, Phòng CSGT khuyến cáo, khi đã sử dụng rượu bia và các chất có nồng độ cồn thì không nên điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, để đảm bảo an toàn cho tính mạng của chính mình và mọi người tham gia giao thông.

"Mạng người là trên hết", nên "đã uống rượu bia - không lái xe" ảnh 2

Nhiều TNGT đáng tiếc xảy ra do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, chất có cồn khi tham gia giao thông

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng uống rượu bia mà vẫn tham gia giao thông còn tồn tại nhiều là do chế tài xử lý còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe với những người tham gia giao thông khác. Đồng ý với ý kiến đó, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết, lực lượng CSGT đã kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu và đề xuất với Quốc hội, Chính phủ bổ sung nâng mức xử phạt, nâng mức tạm giữ phương tiện và tước GPLX đối với các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. 

Ví dụ như: Trường hợp vi phạm lần đầu: Tước GPLX 2 tháng (so với 1 tháng ở quy định trước đó); Tạm giữ phương tiện 30 ngày (so với 7 ngày ở quy định trước đó). Trường hợp vi phạm lần 2: Tước GPLX 3 tháng; Tạm giữ phương tiện 60 ngày; Trường hợp vi phạm lần 3: Tước GPLX vĩnh viễn.

Đồng thời, kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với người tham gia giao thông.

Đại tá Đào Vịnh Thắng đồng thời chia sẻ, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng CSGT gặp không ít khó khăn, ví dụ, khi người tham gia giao thông phát hiện lực lượng CSGT làm nhiệm vụ thì tìm mọi cách để né tránh. Khi bị kiểm tra thường viện đủ mọi lý do để không chấp hành và không nhận thức được hành vi vi phạm của mình. Và  cả những khó khăn khi có trường hợp cố tình trì hoãn việc kiểm tra nồng độ cồn hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra. Đặc biệt, có những trường hợp sau khi sử dụng rượu bia, chất có cồn đã có hành vi chống đối lực lượng. “Tất cả trường hợp này ngoài việc xử phạt vi phạm về nồng độ cồn, còn bị xử phạt về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ. Mức xử phạt từ 10-15 triệu đồng”, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết.