Mạng lưới "mafia gian lận thi cử" hoành hành ở Ấn Độ

ANTD.VN - Tháng 3 vừa qua, Ấn Độ đã trải qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đầy căng thẳng, với hàng chục triệu học sinh đã phải căng hết sức mình để hoàn thành bài thi, mong có đủ điều kiện vào đại học với tỷ lệ chọi vô cùng khắt khe. Đó cũng là thời điểm những mạng lưới gian lận thi cử hay còn gọi là “mafia gian lận” hoạt động vô cùng sôi nổi.

Chỉ còn ít phút nữa là kết thúc bài thi môn Toán tốt nghiệp trung học, nam sinh Raghav ở New Delhi xin ra nhà vệ sinh. Tại đây, Raghav đã dùng điện thoại gửi tin nhắn hình ảnh đề thi mà cậu ta đã bí mật chụp lại vào số điện thoại được cho vài ngày trước. Vài phút sau, thí sinh này đã nhận được lời giải. 

“Đó không phải là gian lận, mà là lối thoát”, bà Sunita - mẹ của Raghav khẳng định. Người mẹ này đã chi 16.000 Rupee (khoảng 250 USD) để con mình có được số điện thoại đó. Đó là chuyện xảy ra hồi năm ngoái. Trước khi Raghav thi tốt nghiệp, bà Sunita có đến trung tâm luyện thi của con. “Thầy giáo nói con tôi học yếu lắm. Tôi trả lời con trai tôi không thích học và tôi không muốn nó phải học lại”, bà Sunita kể. Trung tâm khi đó đã kết nối giúp bà một số điện thoại để họ trợ giúp Raghav thi môn Toán. Không ai biết đầu đường dây bên kia là ai, nhưng phí phải trả cùng với 4-5 phụ huynh khác là 60.000 Rupee.

Mạng lưới "mafia gian lận thi cử" hoành hành ở Ấn Độ ảnh 1Phố sách ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, Ấn Độ tại cao điểm mùa thi 

Liên tiếp bê bối

Gian lận trong các kỳ thi ở Ấn Độ được đánh giá là đặc hữu, có tổ chức và công phu. Ngay tuần trước, một trong những bê bối thi cử mới nhất xảy ra, đó là đề thi tốt nghiệp cấp II bị rò rỉ trên mạng tin nhắn WhatsApp khoảng 90 phút trước giờ thi. Hậu quả, hơn 2,8 triệu học sinh ở Delhi và các vùng lân cận đã được lệnh phải rời ngày thi cho đến cuối tháng 4 này. “Điều này chẳng khác nào tra tấn tinh thần. Em đã phải học suốt ngày đêm để chuẩn bị cho ngày thi, vậy mà tháng sau mới được thi”, Kirath Kaul, một học sinh 15 tuổi cho biết.

Mới tháng 2-2018, tại Bihar, một trong những khu vực nghèo nhất nước này, hơn 1.000 sinh viên đã bị đuổi học vì gian lận thi cử. Năm ngoái, thí sinh đạt điểm cao nhất bang về nghệ thuật hóa ra lại là một người đàn ông 42 tuổi. Nữ sinh nhờ làm bài hộ này sau đó đã bị tước giấy chứng nhận đạt điểm cao nhất, sau khi làm dấy lên nghi ngờ do trả lời phỏng vấn trên truyền hình, nữ sinh đó cho rằng khoa học chính trị là nghiên cứu về nấu ăn.

Trước đó, hồi năm 2015, cái tên Bihar được giới truyền thông thế giới đặc biệt quan tâm khi xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh các bậc cha mẹ ở đây trèo thang lên tòa nhà 5 tầng để “ném phao” cho con cái đang ngồi trong phòng thi. Năm nay, để đảm bảo tính trung thực, chính quyền bang đã lắp đặt camera trong phòng thi và buộc mỗi thí sinh phải bỏ giầy và tất ở cửa phòng thi. 

Lỗi hệ thống giáo dục

“Đây là những dấu hiệu cho thấy lỗi trong hệ thống giáo dục”, bà Yamini Aiyar, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu chính sách nhận định. Bà Yamini cho rằng tình trạng gian lận tràn lan là do nhiều áp lực dồn vào việc kiếm được một bằng đại học và ngành Giáo dục chỉ tập trung vào xây dựng trường mới mà không quan tâm đến những gì xảy ra bên trong. Trong khi đó, với giáo viên và nhà quản lý, mục tiêu giảng dạy bị lệch lạc khi mà đánh giá về sự thành công cũng như những ưu tiên đầu tư dựa vào tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của mỗi trường.

Được sự trợ giúp của đường dây gian lận, Raghav đã qua tất cả các môn. Cậu ta đang tham gia một lớp học về ảnh với mục tiêu lập nghiệp bằng chiếc máy ảnh. Trong khi đó, Kaul vẫn miệt mài cho kỳ thi toán vào 25-4 tới. “Em lo những kẻ gian lận sẽ làm bài tốt hơn. Em đã rất cố gắng nhưng mọi người chỉ nhìn vào kết quả chứ không cần biết ai đã gian lận”.

Để đáp ứng nhu cầu đông đảo, đội quân “mafia gian lận thi cử” ở Ấn Độ ước tính có nguồn nhân lực lên tới 17 triệu người mỗi năm. “Gian lận thi cử ngày càng nhiều vì thiếu các lựa chọn chính đáng trên thị trường lao động. Do ranh giới mờ giữa việc làm trung thực và giả dối nên giới trẻ dễ rơi vào con đường dù không đúng đắn nhưng dễ dàng kiếm tiền hơn”, Snigdha Poonam, tác giả cuốn sách mới ra mắt về thanh niên Ấn Độ lý giải.