Hạn chế ách tắc giao thông:

Mạng lưới hạ tầng phải đồng bộ

(ANTĐ) - Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ vào những giờ cao điểm tại Hà Nội như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng, và kiểm soát tốt sự phát triển của các phương tiện cá nhân.
Hạ tầng thiếu đồng bộ Hiện, trên địa bàn TP có 583 tuyến đường đặt dưới sự quản lý của Sở GTVT, với tổng chiều dài khoảng 1.178km, gồm các loại đường từ đường hướng tâm, vanh đai… Hệ thống giao thông tồn tại nhiều yếu kém và trở thành thách thức của giao thông đô thị Hà Nội hiện nay như, các đường vành đai, đường hướng tâm chưa hoàn thiện, sự giao cắt của tuyến đường sắt quốc gia qua trung tâm TP vẫn tồn tại. Ngoài ra, việc phân cấp mạng lưới đường trong đô thị không rõ ràng, mặt cắt ngang không tương xứng với chức năng đường đảm nhiệm, vỉa hè lòng đường bị lấn chiếm nghiêm trọng. Hơn nữa, các điểm bến bãi đỗ xe rất thiếu, hiện toàn TP chỉ có trên 150 điểm trông giữ xe công cộng với diện tích khoảng 272.000m2, chỉ đạt khoảng 1-1,5% diện tích đất đô thị, trong khi theo yêu cầu phải có từ 3-5%. Trong khi hạ tầng giao thông phát triển còn chậm, chưa đồng bộ thì tốc độ gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông lại rất mạnh. Toàn TP hiện có 3,7 triệu xe máy, 400.000 ô tô. Ông Michael Bose chuyên gia quy hoạch đô thị, cố vấn cao cấp của trường ĐH Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam là nước sở hữu nhiều xe máy nhất trên thế giới, và là nước đứng thứ 4 về lượng xe máy bán ra hàng năm. Tốc độ di chuyển tại  TP Hà Nội vào giờ cao điểm chỉ đạt 15-20km/h. Tuy nhiên, ông Bose cảnh báo, nếu tình trạng ách tắc còn gia tăng như hiện nay, thì tốc độ di chuyển sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, hành vi tham gia giao thông của người Việt Nam thường không có kỷ luật. “Nếu Hà Nội không tập trung phát triển hạ tầng giao thông công cộng thì sẽ bị tê liệt do tắc nghẽn giao thông vào những giờ cao điểm. Nhiều người cho rằng, xe máy là nguyên nhân gây tắc nghẽn, tai nạn, song, nếu người dân chuyển xe máy sang sử dụng ô tô thì tình trạng còn tồi tệ hơn”, ông Bose nói.
Mạng lưới hạ tầng phải đồng bộ ảnh 1
Để giảm ùn tắc, theo nhiều chuyên gia, nên phát triển giao thông công cộng
Giải ngân 7 tỷ USD trong 5 năm là khó khả thi Hệ thống giao thông công cộng hiện chỉ có xe buýt và taxi. Nhưng, mạng lưới xe buýt hiện gần đạt tới hạn, một số tuyến quá tải, việc khai thác kém hiệu quả. Xe buýt mới đảm nhiệm khoảng 9% nhu cầu đi lại của người dân. Kỹ sư Lê Vinh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhận định, nếu tiếp tục tăng tuyến, tăng số lượng đầu xe hoạt động, trong khi mạng lưới hạ tầng giao thông không đáp ứng tương xứng, thì sự gia tăng hoạt động này lại là một trong nhiều nguyên nhân khiến ách tắc giao thông nghiêm trọng hơn. Do vậy, cần triển khai các dự án vận tải hành khách công cộng bằng các loại hình hiện đại, công suất lớn, tốc độ cao như hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống xe buýt chạy nhanh trên các làn đường riêng. Ông Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, trường ĐH GTVT nhận định, quá trình đô thị hóa của Hà Nội gắn với bùng nổ xe máy. Tuy nhiên, để nói xe máy là nguyên nhân gây nên tình trạng tắc đường hiện nay tại các đô thị lớn như Hà Nội là không chính xác. Bởi, nếu quy đổi 3 xe máy sang 1 ô tô thì Hà Nội sẽ không còn chỗ để lưu thông. Tuy nhiên, dự án phát triển giao thông Hà Nội từ nay đến năm 2015 với số tiền đầu tư lên tới hơn 7 tỷ USD, ông Khuất Việt Hùng nhận định, 5 năm giải ngân 7 tỷ USD, trung bình mỗi năm giải ngân 1,2 tỷ USD. “Phải có một năng lực giải ngân xuất chúng mới có thể đạt được mức độ nêu ra trong đề án”, ông Hùng nói. Theo đó, ông Hùng cho rằng, trong 5 năm, giải ngân khoảng 3,5 tỷ USD thì khả thi hơn. Ngoài ra, với những kế hoạch như xây dựng đường sắt trên cao, phát triển mở rộng thêm 50 bãi đỗ xe… ông Hùng cho rằng, với cùng một con người không thể làm cùng một lúc nhiều việc, nên đặt ưu tiên những dự án cần thiết.