Đoàn Công tác xã hội tình nghĩa báo ANTĐ:

Mang hơi ấm lên Mường Lát

ANTĐ - Dù đã xác định trước tinh thần “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, nhưng rồi con đường lên xã Trung Lý I, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn khiến các thành viên trong đoàn công tác xã hội tình nghĩa của Báo ANTĐ và Thẩm mỹ viện Hải Duyên “say ngất ngưởng”. Không khỏi chạnh lòng, đường giao thông khó khăn thế này, đời sống bà con vẫn nghèo là phải. 

Chiến sỹ báo An ninh Thủ đô mang hơi ấm đến từng học sinh nghèo miền biên viễn

Từ một mối duyên

Đi mãi rồi cũng đến nơi. Mới đầu giờ chiều mà sương đã rơi lấm tấm như mưa bụi dưới xuôi. Đón chúng tôi là những ánh mắt đợi chờ trên bao khuôn mặt lấm lem. Bọn trẻ chỉ trỏ cho nhau, ríu rít bằng tiếng Mông: “Nub nos peb taus ntxua yam”, mà mãi sau tôi mới biết có nghĩa là “hôm nay được cho quà đấy”. 

Mối duyên với Mường Lát bắt đầu từ cuộc gặp gỡ tình cờ giữa cô giáo Đinh Thị Tuyết ở trường tiểu học Pù Nhi với bà Lê Hải Duyên trong lần cô về Hà Nội chữa bệnh. Nghe chuyện bà Duyên thường xuyên phối hợp với Báo ANTĐ đi tặng quà giúp người nghèo vùng sâu vùng xa, cô Tuyết hỏi ngay: “Sao chị không về Mường Lát quê em, các cháu trên ấy thiếu từ đôi dép, hạt muối trở đi”. Vậy là chuyến đi đến 2 xã Quang Chiểu, Pù Nhi thuộc huyện Mường Lát đầu tiên được bà giám đốc Thẩm mỹ viện Hải Duyên phối hợp với Báo ANTĐ thực hiện năm 2009. Năm sau, những chuyến xe hàng trĩu nặng tình thương tiếp tục vượt hàng trăm kilomet đường trường đến với học sinh nghèo 2 xã Mường Chanh, Tén Tần. Đến giờ đã là lần thứ 3. Mường Lát đã thay đổi nhiều, song điều kiện sống nhìn chung vẫn khó khăn. Vậy nên, những người sống ở Thủ đô vẫn nặng lòng. 

Chuyến này, hai chiếc xe của báo lèn chặt hàng, 700 suất quà, gồm chăn bông, dép, áo ấm, mũ len, tất, bột canh, kẹo, dầu, thuốc nhỏ mắt... trị giá 140 triệu đồng được đưa tới tận tay từng cháu. Tâm niệm của cả đoàn, dù đường sá vất vả đến thế nào, cũng phải tới tận nơi, “vì quà tặng đâu chỉ là chăn ấm, mà là hơi ấm”, bà Hải Duyên tâm sự.

Mà cũng phải đến tận nơi mới thấy một tấm chăn, một đôi dép, một gói bột canh có ý nghĩa như thế nào với học sinh ở Trung Lý, Pù Nhi. Cô Tuyết kể, những ngày rét đậm mới rồi, học sinh vẫn đến trường, nhưng co ro trong manh áo mỏng, thầy cô thường xuyên phải đốt lửa cho các cháu sưởi mà vẫn không đủ ấm. Ít tiếp xúc với người lạ, bọn trẻ chân chất đến khờ khạo, có những cháu thấy được phát quà nhưng chỉ đứng yên ở lán trông ra, cho tới khi thầy giáo gọi mới chạy lại. Nhìn các cháu cầm gói bột canh trên tay, nâng niu như món quà quý, lại phải cố kìm để không so sánh với hình ảnh bọn trẻ dưới xuôi.

Căn lều trọ của 5 học sinh trường THCS Trung Lý 1

Những căn lều “nuôi chữ” 

Từ Trung Lý vào đến Mường Lý, hình ảnh tác động mạnh nhất đến chúng tôi là những túp lều trọ học thấp lè tè nằm nghiêng nghiêng bên sườn dốc cạnh các ngôi trường. Khu “ký túc xá” của học sinh trường THCS Trung Lý có chừng 45-50 lán, là chỗ ở của khoảng 150 em. Nhà xa nhất tới 45km, gần hơn thì cũng phải 20 cây số, bố mẹ đành mang tre nứa đến dựng lều cho con ở nội trú. Lán lợp bạt nhựa, giường cũng làm bằng bương dát mỏng, ngồi vào bên trong rồi mà gió vẫn xiên vào từ tứ phía. Em Thào Thị Xe, học sinh lớp 8 kể, nhà có 9 anh chị em, chỉ có mỗi Xe đi học. Xe ở cùng với một người chị họ trong căn lều rộng chừng 2m2 do các em tự dựng lấy, cứ hàng tháng 2 chị em lại vượt qua con đường rừng chừng 20km về nhà lấy gạo với rau mang xuống trường. Mỗi tháng bố mẹ cho 50.000 đồng, phải tự mà cân đối bữa ăn. Củi đun thì ngoài giờ học lên rừng lấy. 

Vậy mà nếu so với học sinh ở Mường Lý, Trung Lý vẫn còn “tươm” hơn, vì dù gì trường cũng nằm ngay cạnh đường ô tô. Mường Lý thì khác, nằm khuất nẻo, đường cũng mới được mở rộng hai tháng nay, chứ trước thì chỉ xe máy là phương tiện giao thông duy nhất. Trường THCS Mường Lý đã có một khu nội trú khang trang, song vì không đủ chỗ nên nhiều học sinh nam vẫn ở bên ngoài lán. Khu lán trọ nằm chênh chênh trên sườn núi, giống hệt một bản người Mông. Khi chúng tôi lên đó, gặp 2 em Vàng A Dơ và Vàng A Và, học sinh lớp 6, người bản Xi Lô đang nhóm bếp thổi cơm. Ngày thứ 7, nhiều bạn đã về nhà, nhưng hai em thì ở xa hơn nên chưa đến “hạn” về. Vàng A Dơ kể, mỗi lần về nhà chỉ lấy gạo với rau mang lên trường, còn bố mẹ cũng chẳng có tiền để cho. Hàng ngày sau giờ học, mấy đứa lại cùng nhau đi kiếm rau ăn, không có rau thì ăn với muối. Thỉnh thoảng được “cải thiện” bữa mỳ tôm nấu với ớt, đã là tươm lắm.

Chẳng mấy căn lều trọ học ấy có điện, vài chục nghìn tiền điện thắp sáng một năm đối với nhiều gia đình cũng là một khoản không thể co kéo được vào đâu. Vậy là buổi tối, bọn trẻ tự lên lớp học bài, không thì quanh quẩn chơi trong trường, chừng hơn 8h là về ngủ. Ngày tạnh ráo còn đỡ, chứ đến ngày mưa thì thế nào cũng phải dậy giữa chừng mà che, mà thu vén áo chăn, sách vở. Vậy mà vẫn ngong ngóng những mùa mưa, vì mùa cạn thì nước thiếu thốn vô kể. 

Nụ cười của học sinh trường Tiểu học Phù Nhi 

khi nhận áo ấm từ bà Hải Duyên, Giám đốc Thẩm mỹ viện Hải Duyên

Thấm đẫm tình người

Chặng cuối của hành trình, cũng là chặng để lại ấn tượng sâu đậm nhất với cả đoàn chính là Mường Lý, xã thuộc diện nghèo nhất của Mường Lát. Chiếc xe 16 chỗ buộc phải bỏ cuộc giữa chừng khi còn cách xã 12km vì không qua suối được, chúng tôi chuyển hàng sang xe tải, sau đó được các thầy giáo trường tiểu học Mường Lý chở vào bằng xe máy. Dọc đường thầy Lầu Văn Túi, giáo viên lớp 2-3 kể, chưa có điện lưới quốc gia, cuối năm 2012 đường điện 20KV mới về đến xã, sau đó là trạm phát sóng BTS của Viettel, mới hết cảnh gọi điện về nhà phải quay số tới cả chục lần.

“Liên lạc được với bên ngoài cũng thấy bớt khổ đi nhiều, chứ trước đây cũng nản lắm”, thầy Lương Văn Thực bộc bạch. Thực là 1 trong 5 giáo viên hợp đồng của trường tiểu học Mường Lý, lương tháng mới được tăng từ 800.000 đồng lên 1,2 triệu đồng sau 3 năm công tác. “Có lúc muốn bỏ nghề, nhưng chính cái tình của bà con nơi đây đã níu chân mình lại”. Biết thầy giáo cũng khó khăn, dù thiếu thốn, nhưng bố mẹ học sinh khi có bó rau, gói muối cũng mang tới chia sẻ với thầy. Thầy trò đùm bọc lẫn nhau, tự nhủ cứ phải có cái chữ đã, rồi đời sống sẽ dần khấm khá lên.

Rồi chúng tôi cũng được tự mình chiêm nghiệm cái tình của người dân bản, khi chiếc xe tải gặp sự cố trên đường quay ra. Đi qua được suối, nhưng xe không sao lên được dốc đứng vì bánh ướt cứ quay tròn khi gặp đất cát. Thế là thầy trò, rồi bà con kéo nhau mang cuốc xẻng ra giúp, làm hết sức, như việc của nhà mình, vừa làm vừa giục nhau cố gắng nhanh để đoàn không bị về lúc tối trời. Mất hơn 1 tiếng đồng hồ, xe mới lên được dốc. Bà con lại dặn với theo, đi đường bình an. 

Trên đường về, cả đoàn gặp một tốp các em học sinh được mẹ lên đón. Mời mãi, mấy mẹ con mới chịu lên ô tô đi nhờ một chặng. Nhà ở bản Sài Khao, cách trường 26km, đi bộ thường mất quá nửa ngày. Lần đầu tiên được ngồi xe ô tô, bọn trẻ thích lắm. Đến đoạn rẽ lên đường mòn vượt núi, tất cả xin xuống, đi một đoạn rồi còn cứ ngoái lại vẫy tay nói cảm ơn. “Cảm ơn”, đấy là hai từ chúng tôi được nghe nhiều nhất trong quãng thời gian ngắn ngủi ở Mường Lát, chân thành, mộc mạc nhưng sao thấm đẫm tình người.

Khi bài báo này lên khuôn, tôi nhận được điện thoại của bà Hải Duyên, thông báo: doanh nghiệp của bà đã tìm được “cây cầu nối” ở thị trấn Mường Lát để có thể gửi quà hàng tháng lên cho học sinh mấy xã khó khăn. Ngay tháng sau, chuyến đầu tiên sẽ được thực hiện với 1000 gói bột canh, vài trăm chiếc màn và cả 15 triệu đồng hỗ trợ thầy trò trường Trung Lý đào giếng khoan. Nghe xong thấy lòng vui lạ. Không vui sao được khi suốt chặng đường về, ám ảnh chúng tôi vẫn là những căn lều lụp xụp, và bao đôi mắt trẻ thơ trắng xóa vì sương lạnh và thiếu nước dùng...