Màn xoa dịu của Washington

ANTĐ - Cơn tức giận của châu Âu trước các hoạt động nghe lén của Mỹ đã dịu bớt khi Washington tìm cách xoa dịu bằng cam kết sớm ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin giữa hai bên.

Biểu tình trước đồi Capitol ở Thủ đô Washington phản đối chương trình nghe lén của Mỹ

Tại cuộc họp vừa diễn ra tại Thủ đô Washington với sự tham dự của bà V.Reding, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Ủy viên tư pháp và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ E. Holder, đại diện EC đã hối thúc Mỹ có động thái hạn chế sự mất tin tưởng lẫn nhau kể từ sau vụ vỡ lở thông tin về bê bối giám sát tình báo của Mỹ. Đáp lại, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cam kết sẽ tìm kiếm giải pháp thỏa đáng trong việc bảo mật thông tin của công dân châu Âu cũng như công dân Mỹ, tiến tới ký kết thỏa thuận toàn diện về việc bảo mật dữ liệu của người dùng Internet. Dự kiến, các vòng đàm phán giữa hai bên sẽ kết thúc vào đầu năm tới.

Quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đã bị phủ bóng đen từ tháng 6 vừa qua sau khi cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) E.Snowden tiết lộ thông tin cho biết, trong nhiều năm liền, các cơ quan tình báo Mỹ đã giám sát và nghe lén 35 nhà lãnh đạo của các nước trên thế giới, kể cả các nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Vụ bê bối lên tới đỉnh điểm khi các thông tin tiết lộ sau đó nói rằng Mỹ nghe lén cả điện thoại của Thủ tướng Đức A. Merkel.

Khỏi phải nói Washington bối rối thế nào khi các thông tin này bị tiết lộ. Không chỉ bị chất vấn, Mỹ còn phải đối mặt với nguy cơ bị các đồng minh châu Âu trả đũa. Liên minh châu Âu (EU) hiện đang xem xét việc tạm ngừng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và châu Âu về Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương. Đầu tháng 11 vừa rồi, Đức và Brazil còn trình lên Đại hội đồng LHQ bản dự thảo nghị quyết nhằm vào Mỹ khi bày tỏ sự quan ngại sâu sắc liên quan đến vấn đề vi phạm nhân quyền và các hoạt động do thám thông tin, bao gồm giám sát thông tin ngoài lãnh thổ, bị lạm dụng quá mức. 

Không chỉ có vậy, vụ nghe lén của Mỹ đã trở thành chủ đề tranh cãi trong nội bộ nhiều nước, bị biến thành con bài chính trị trong cuộc đối đầu giữa các đảng phái chính trị. Chẳng hạn ở Đức, đảng đối lập đã lên tiếng chỉ trích chính phủ của bà A. Merkel quá “nhẹ giọng” với Mỹ trong vụ nghe lén. Không giải quyết êm thấm dư luận, bà A. Merkel có thể mất điểm trong con mắt cử tri. Hơn ai hết Washington hiểu rằng, càng để vụ việc kéo dài sẽ càng bất lợi cho quan hệ của Mỹ với các đồng minh.

Chính vì thế mà kể từ khi vụ việc vỡ lở, người ta thấy Washington luôn giữ thái độ khiêm nhường. Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry đã lên tiếng thừa nhận trong một số trường hợp, hoạt động do thám của chính quyền Mỹ đã đi quá xa, đồng thời liên tục xuất ngoại đi trấn an các đồng minh. Theo hướng đó, việc Mỹ chấp nhận sớm ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin với châu Âu chính là nhằm sớm khép lại vụ việc.

Trước mắt, thái độ của Mỹ đã được châu Âu ghi nhận. Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng ra tuyên bố khẳng định điều cấp thiết nhất hiện nay là hai bên phải xây dựng lại lòng tin và đẩy mạnh thực thi hợp tác trong lĩnh vực pháp lý. Tuy nhiên, màn xoa dịu này có khép lại vụ bê bối nghe lén của Mỹ hay không thì chưa ai có thể khẳng định.