Mầm thiện gieo từ đâu để mang bình yên đến cho trẻ?

ANTD.VN -  Sẽ chẳng khó khăn gì khi trả lời câu hỏi này, mầm thiện đương nhiên được gieo và sinh sôi nảy nở trên những mảnh đất lành. Thế nhưng, bây giờ, để các bậc cha mẹ phân biệt được đâu là “đất lành” để chăm sóc những mầm non - thế hệ tương lai của đất nước thì lại rất khó, khi mà báo chí vài ngày lại đăng tin -“mẹ hiền” ở trường dầm đầu trẻ vào thùng nước, bịt mũi tạt tai, tát tới tấp bắt ăn hay cầm dép, cầm dao, cầm can nhựa đập vào trẻ tuổi lên 2 với lý do - để đứa bé ngoan và nghe lời? 

Khi mà cả xã hội còn chưa hết bàng hoàng vụ người giúp việc vả vào mặt vào đầu, tung đứa bé 1 tháng 17 ngày tuổi lên như làm xiếc ở Hà Nam thì lại xuất hiện một vụ bạo hành khác, lần này là ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh. Các cô giáo ở trường Mầm Xanh sáng nào cũng đón các con từ tay bố mẹ với một nụ cười, tiếng loa đài trong trường vọng ra giọng hát trẻ trong veo: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”…

Ấy thế mà, khi bóng cha mẹ đi khuất, cánh cửa trường đóng lại, nụ cười của "mẹ hiền" đột ngột biến mất thay vào đó là đòn roi, là giọng những tiếng nấc nghẹn, với những đôi mắt thất thần sợ hãi của những đứa trẻ ngây thơ…

Dư luận thì lần nào cũng vậy, khi hình ảnh về những vụ bạo hành trẻ em được phát tán thì phẫn nộ ghê lắm. Các “ác mẫu”… bị lộ đều phải chịu bản án nghiêm khắc của pháp luật. Nhưng sau đó là gì? Dường như có một vòng tròn nghiệt ngã đang xoáy theo “những chủ nhân tương lai của đất nước”, khi mà những vụ bạo hành trẻ em sau bao giờ cũng nghiêm trọng hơn vụ phát hiện trước cả về tính chất lẫn quy mô.

Có một câu hỏi đặt ra là, sau rất nhiều lần “ác mẫu” phải ngồi tù vì bạo hành trẻ em thì người lớn chúng ta làm gì tiếp theo để giảm thiểu những bi kịch kể trên? Những tổ chức xã hội bảo vệ quyền trẻ em đã ở đâu, làm gì? Họ đã đấu tranh những gì và như thế nào để trẻ em có được nơi ăn chỗ học tử tế chứ không phải học ở những trường mầm non tư thục “lành ít dữ nhiều”? Để cha mẹ chúng vốn đã chìm nổi trong nhọc nhằn mưu sinh khỏi phải rơi những giọt nước mắt vừa ân hận, vừa bất lực, vừa cay đắng tuyệt vọng khi phải tận mắt chứng kiến con mình non nớt co rúm lại trong đòn roi của “mẹ hiền” ở trường.

Chuyện cũ, tháng 11-2013, bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ ở TP.HCM dùng chân đạp vào ngực, bụng, bóp cổ một cháu bé 18 tháng tuổi khiến em bé tử vong vì đứt mạch máu tim và dập phổi. Hồ Ngọc Nhờ cũng làm mẹ, cũng có một đứa con tầm tầm tuổi với đứa bé mà cô ta “quá tay” đánh chết. Hành động bao dung của cha mẹ em bé xấu số khi đó khiến cả xã hội sững sờ và tiếp tục hy vọng, xã hội này vẫn còn những điều đẹp đẽ.

Nhưng giờ đây, 4 năm qua đi, có ai còn nhớ đến cái chết tức tưởi của em bé, những hành động nhân ái của gia đình nạn nhân có ai nhân lên không? Có còn chỗ nào bình yên cho bọn trẻ nữa hay không? Ai là người bảo vệ được bọn trẻ? Hay là, người lớn chúng ta đã sống chung với bi kịch quá lâu, để bây giờ chai lì và thản nhiên trước cái ác?

Nếu vào Google, tìm kiếm cụm từ “thiếu trường mầm non”, sau 0,50 giây sẽ cho ra gần 2 triệu kết quả - đó là những bài báo “kêu cứu” suốt nhiều năm về tình trạng thiếu trường mầm non công lập đủ cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho các con vui chơi - học hành, trong đó đặc biệt nhấn mạnh thiếu trường mầm non ở các khu công nghiệp và công nhân chật vật tìm chỗ gửi con. Điều đó có nghĩa, chẳng phải các nhà quản lý không biết, chỉ là họ có quyết tâm đầu tư cho “tương lai đất nước” không mà thôi. 

Các nhà giáo dục có biết không? Có. Họ còn biết rất rõ là đằng khác, nhưng họ còn mải theo đuổi những điều lớn lao, nào là cải cách sách giáo khoa, nào là đề xuất mấy nghìn tỷ đưa chữ E lên đầu bảng chữ cái với lý do đứa trẻ sinh ra thì tiếng đầu tiên là gọi “Mẹ”. Báo cáo thành tích ngành năm nào cũng phấn đấu 100% học sinh “khá và giỏi” trong khi bạo lực học đường nhiều như vãi trấu. Mới đây nhất còn có đề xuất chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ vì tỉ lệ tiến sĩ của Việt Nam còn quá thấp nên phải đào tạo thêm!

Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Người viết bài này không dám đem chuyện thiếu tiến sĩ và thiếu trường mầm non tử tế để trẻ có thể an toàn đến lớp mà học hành, mà phát triển như một chồi non mạnh khỏe được chăm trên mảnh đất lành. Nhưng lại cứ hy vọng, một ngày nào đó các nhà quản lý giáo dục nói chung và những người có thẩm quyền nói riêng sốt sắng lo lắng chuyện thiếu trường mầm non như thiếu tiến sĩ bây giờ thì lúc ấy đúng là mừng quá. Bởi lẽ, thiếu trường mầm non là câu chuyện ươm cây từ chồi, chăm cây từ gốc, còn chuyện đào tạo tiến sĩ chỉ là chuyện trên ngọn. Mà phàm trên ngọn thì đúng là chuyện may - rủi!